12 chữ phê bình của Bác với báo chí

Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Đại hội III ngắn gọn nhưng vừa khái quát được chức năng, nhiệm vụ, vai trò và sứ mệnh của báo chí cách mạng vừa cụ thể về công việc, “bếp núc” của người làm báo.

Bác lấy “tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” nói về vấn đề phê bình và tự phê bình.

Đầu tiên về vai trò của phê bình, Bác nói: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”.

Tiếp đến, bác nói về phương pháp phê bình của báo chí là “phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”.

Mở rộng ra, Bác nói về đối tượng tiếp nhận phê bình: “Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn…không được “phớt” lời phê bình, không “trù” người phê bình”.

Bác dùng cụm từ “được phê bình” chứ không phải “bị phê bình” cho thấy quan điểm và tính nhân văn trong quá trình nhận sai và sửa sai.

Chính vì thế, Bác đã “xung phong” phê bình các báo. Bác đặt ra mấy vấn đề :

“Bài báo thường quá dài, dây cà ra dây muống, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.

Thường nói một chiều, đôi khi thổi phồng các thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức các khó khăn, khuyết điểm của ta.

Đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng

Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.

Lộ bí mật.

Có khi quá lố bịch.

Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không chuẩn…”

Đó là những vấn đề quá đúng và quá trúng không chỉ với báo chí thời điểm đó mà cho đến nay vẫn là những bài học cơ bản của báo chí.

Đây chính là phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp báo chí “sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Việc phê bình báo chí được Bác khéo léo đưa ra như một ví dụ chính xác về phê bình và người tiếp nhận cảm thấy “được phê bình” chứ không phải “bị phê bình”.

Không chỉ phê bình, với báo chí, Bác còn gợi mở cách để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Cũng trong bài nói chuyện ấy, bác đưa ra kinh nghiệm của mình:

“Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc. Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.

Chỉ mấy câu ngắn gọn của Bác có giá trị hơn rất nhiều giáo trình. Đó là khi viết báo phải xác định ngay đối tượng, mục đích sau đó mới đến cách thể hiện và cuối cùng là lời dạy về sự khiêm tốn, cần chịu khó học hỏi trong nghề báo, của người làm báo.

12 chữ “phê bình” của Bác trong một bài nói chuyện 60 năm về trước có giá trị và sức sống lâu bền. Cho dù báo chí, công nghệ có phát triển đến đâu thì những lời dạy của Bác vẫn là những bài học quý giá.

Tin liên quan: