Giá thép nội địa điều chỉnh tăng 3 lần kể từ đầu năm nay

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 02/02, giá thép xây dựng tiếp tục đi ngang sau 2 ngày tăng liên tiếp trước đó vào cuối tháng 1. Kể từ đầu năm nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 3 lần điều chỉnh tăng.

Giá thép nội địa điều chỉnh tăng 3 lần kể từ đầu năm nay - Ảnh 1.

Kể từ đầu năm nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 3 lần điều chỉnh tăng.

Theo đó, sau điều chỉnh giá thép cuộn CB240 dao động trong khoảng 15.370-15.450 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở khoảng 15.420- 15.530 đồng/kg.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 01 vừa qua, cả nước ta đã xuất khẩu 353.600 tấn sắt thép các loại, thu về kim ngạch 243,9 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2022, lượng xuất khẩu đã có sự khởi sắc. Tuy nhiên, trị giá vẫn thấp hơn gần 50% so với 15 ngày đầu tháng 01 năm 2022 do giá xuất khẩu vẫn chưa thể nhanh chóng phục hồi trở lại.

Giá thép nội địa điều chỉnh tăng 3 lần kể từ đầu năm nay - Ảnh 2.

Dầu WTI giảm 3,12% xuống 76,41 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 3,07% xuống 82,8 USD/thùng.

Giá dầu thế giới giảm hơn 3 USD/thùng

Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tháng 2, giá dầu bất ngờ giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần qua, với dầu WTI giảm 3,12% xuống 76,41 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 3,07% xuống 82,8 USD/thùng. Bức tranh nhu cầu chưa có sự cải thiện tích cực, trong khi nguồn cung không có nhiều sự thay đổi đã kéo giá dầu suy yếu trong phiên.

Giá dầu mở cửa với đà tăng nhẹ trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc sẽ được thúc đẩy sau khi mở cửa.

Tuy nhiên, đà tăng đã nhanh chóng bị xoá bỏ, giá dầu liên tục giảm trong nửa cuối phiên trước quyết định giữ nguyên sản lượng của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) và đặc biệt là dữ liệu tồn kho dầu gia tăng trong báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Quyết định không thay đổi sản lượng của nhóm OPEC+ không nằm ngoài dự đoán của thị trường, phản ánh sự không chắc chắn trong cả yếu tố cung-cầu. Trước đó, Saudi Arabia đã giảm giá bán dầu thô sang châu Á. Chính vì vậy, quyết định không gia tăng sản lượng cho thấy rằng OPEC+ vẫn đánh giá nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa mang tính đột phá.

Lực bán đặc biệt được thúc đẩy mạnh mẽ sau báo cáo của EIA, kéo giá dầu liên tục lao dốc. Cơ quan này đã báo cáo tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã tăng vào tuần kết thúc ngày 27/1, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 do nhu cầu vẫn yếu.

Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 4,1 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán chỉ tăng 0.4 triệu thùng của thị trường, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu cũng đồng loạt tăng. Nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại Mỹ giảm 19.000 thùng, xuất khẩu dầu thô Mỹ cùng giảm hơn 1,2 triệu thùng trong tuần qua so với tuần trước đó.

Một tâm điểm đáng chú ý khác trên thị trường là quyết định lãi suất tăng thêm 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua. Mức tăng này không nằm ngoài dự đoán của thị trường, trong khi Chủ tịch Fed mặc dù tiếp tục khẳng định về việc thắt chặt, và không hạ lãi suất trong năm 2023, nhưng kỳ vọng lạc quan của các nhà đầu tư về việc Fed đang tiến gần tới cuối chu kỳ tăng lãi suất, đã hạn chế đà giảm của giá dầu.

Ngoài ra, chỉ còn chưa đầy 3 ngày nữa là lệnh cấm vận các sản phẩm dầu tinh chế Nga của các nước phương Tây, nguồn cung dầu vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tin liên quan: