Năm Dần xem tranh hổ của Lê Minh Trí

Nhiều năm qua, không ít giai phẩm báo Tết đều xuất hiện các bức tranh về con giáp của năm ấy qua nét vẽ tài hoa của họa sĩ Lê Trí Dũng. Dường như, năm gì vẽ con đó là thói quen nghề nghiệp không thể bỏ, qua đó cũng thể hiện tính nhân văn sâu sắc của ông.

Họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết, ông bắt đầu vẽ 12 con giáp khi có con trai đầu lòng năm 1978 – năm con ngựa.

Mỗi khi tết đến họa sĩ Lê Trí Dũng lại vẽ con giáp

“Cao trào khi được sống gần danh họa Nguyễn Tư Nghiêm 15 năm tại khu Trung Tự, được xem và ảnh hưởng của thầy Nghiêm nhiều, học cách vẽ xuất thần và chất dân gian, đình chùa của thầy, lâu dần hình thành thói quen mỗi khi Tết đến Xuân về là tôi lại trải giấy màu ra vẽ các con giáp” – họa sĩ Lê Trí Dũng kể – “Y như nếp sống của người nông dân Bắc Bộ là phải có Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…. Những bức tranh con giáp bao giờ cũng như xa xưa ông bà ta có tranh lợn tranh gà trên bức vách”.

Về tranh hổ, họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết ông vẽ rất nhiều và hổ là một trong ba con vật ông vẽ nhiều nhất (ngựa, gà và hổ). Năm 2010, nhân dịp sinh nhật 60 tuổi, họa sĩ Lê Trí Dũng đã tổ chức triển lãm cá nhân trưng bày 60 tranh hổ tại Ngôi nhà Nghệ thuật (31A Văn Miếu, Hà Nội)…

Ông nói ” những con hổ ngày đó hiện đại và đơn giản, khác với những con bây giờ đầy tính tâm linh và dân gian”. 60 chân dung hổ ngày ấy qua nét cọ của ông là 60 dáng vẻ, và mỗi chân dung mang một phong cách riêng. Có bức mang chất của tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, có bức lại mang phong cách hội họa của người dân tộc thiểu số, tượng nhà mồ Tây Nguyên, một số bức khác đậm nét hội họa lập thể của phương Tây…

Tin liên quan: