Thủ tướng đối thoại với nông dân: Giải pháp hạ nhiệt giá đất làng quê

Những câu hỏi xoay quanh tín dụng đen, đầu cơ đất, hạ tầng giao thông, sinh kế cho người dân được đưa ra trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và nông dân, sáng 29/5.

Trong bài phát biểu mở đầu dài 30 phút, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ và sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ với bà con nông dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung hai năm qua phải gồng mình chống Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ muốn cuộc đối thoại dựa trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân thành, tin cậy và trách nhiệm để xử lý vấn đề.

“Qua ba cuộc đối thoại trước đây, chúng ta xem những gì đã làm tốt, cái gì chưa làm tốt thì cần rút kinh nghiệm. Đối thoại phải mang lại gì mới, hiệu quả thiết thực”, Thủ tướng chia sẻ.

Trong 8 thông điệp của bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần việc phải xây dựng nền kinh tế tự chủ, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hiệu quả để cùng ngành nông nghiệp và nông dân giải quyết những khó khăn hiện hữu; phải đổi mới công nghệ, lấy khoa học công nghiệp làm động lực cho sự phát triển; đa dạng hoá các chuỗi cung ứng, không phụ thuộc một thị trường, không phụ thuộc một loại sản phẩm.

Thủ tướng đối thoại với nông dân: Giải pháp hạ nhiệt giá đất làng quê - ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với nông dân, sáng 29/5. Ảnh: Phạm Chiểu

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, nông dân Nguyễn Văn Thanh, huyện Ứng Hoà (Hà Nội) cho hay, sau dịch Covid-19, giá vật tư chăn nuôi tăng mạnh so với trước khiến nhiều nông dân thua lỗ phải “treo ao, treo chuồng”, Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ?

Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, nói đây là vấn đề toàn cầu không riêng quốc gia nào. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực chia sẻ với nông dân như hạn chế xuất khẩu những vật tư có tính chiến lược, nghiên cứu chính sách nhằm điều chỉnh thuế phí. Theo ông Diên, giá vật tư tăng do nguyên liệu sản xuất phân bón đầu vào hiện tăng 130 – 170%. “Nếu giá vẫn leo thang, sẽ kiến nghị trợ giá cho nông dân với một số vật tư thiết yếu”, Bộ trưởng Diên nói.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để giảm chi phí vật tư, người dân có thể tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hoặc cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Làm rõ thêm, Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước…, đầu tư phát triển hạ tầng với hàng loạt tuyến cao tốc nhằm giảm chi phí logistics.

Nông dân Trần Thị Thanh Thoan, huyện Duy Tiên (Hà Nam) cho biết thời gian qua các ngân hàng có nhiều chương trình cho người dân vay vốn, song nhiều người vẫn khó tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất sống. “Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?”, bà Thoan đặt câu hỏi.

Đại diện trả lời câu hỏi, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước, thừa nhận trong những cuộc đi khảo sát thực tế đã thấy nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ tình hình đó, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen, trong đó có việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục cho vay. “So với năm 2017, tín dụng đen theo đánh giá sơ bộ đã giảm hơn nửa, những sự việc đau lòng cũng hạn chế”, ông Tú nói và cho biết kết quả cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định đã mở nhiều đợt cao điểm rốt ráo trong việc triệt phá các ổ tín dụng đen, bắt và xử lý nhiều đối tượng. Tăng cường trên 50.000 cán bộ về làm công an xã nhằm phối hợp với chính quyền để sớm phát hiện tín dụng đen. Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng muốn ngăn chặn tín dụng đen cần sự vào cuộc các cấp, đồng thời đề nghị Bộ Công an phối hợp ngân hàng trong việc sử dụng dữ liệu dân cư quốc gia trong hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn giúp người dân vay dễ để hạn chế tín dụng đen.

Kết nối trực tuyến từ điểm cầu Bắc Giang, nông dân Hoàng Đình Quế, huyện Yên Dũng, chia sẻ thời gian qua giá đất tại nhiều nơi tăng trưởng nóng, dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất đai. Việc tăng giá đất, theo ông Quế là dẫn tới nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, an ninh, trật tự ở nhiều địa phương. “Thủ tướng, Chính phủ có các giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất”, nông dân Quế đặt câu hỏi.

Được chỉ định trả lời, trung tướng Lê Quốc Hùng nói thời gian qua tội phạm vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai rất phổ biến, đặc biệt nổi lên ở tình trạng phân lô bán nền với đất nông nghiệp, đất quy hoạch, trồng cây lâu năm. Thủ đoạn hay được áp dụng là chủ đầu tư rao bán khi chưa có quy hoạch cụ thể, hoặc với đất quy hoạch thì tự ý xây dựng hạ tầng và phân lô bán nền trái pháp luật. “Đơn cử như vụ án liên quan tới địa ốc Alibaba. Công ty này tự vẽ 42 dự án với 620 ha không có thật chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng”, ông Hùng chia sẻ.

Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Quý Kiên đưa ra 7 giải pháp, gồm tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai; công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện nghiêm quy định đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; có kế hoạch điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật về đất đai; thống nhất nhận thức trong công tác định giá đất; nâng cao năng lực của các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương.

Cũng tại buổi đối thoại, những câu hỏi liên quan tới việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng được nhiều nông dân quan tâm. Nông dân Trần Như Kiên, huyện Yên Châu (Sơn La), chia sẻ từ năm 2020 các chính sách kiểm soát Covid-19 khiến việc xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, nên cần Chính phủ phải có những giải pháp căn cơ.

Chia sẻ với anh Kiên và nhiều nông dân khác, Thủ tướng cho hay đã có nhiều cuộc giao thiệp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Công thương đứng đầu. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của chúng ta. Người đứng đầu Chính phủ nói thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước. “Chúng ta cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Cần thời gian quá độ để thúc đẩy sản xuất chính ngạch”, Thủ tướng nói.

Nhiều nông dân cũng đặt câu hỏi liên quan tới sinh kế, tình trạng bỏ quê lên phố, biến đổi khí hậu… Nông dân Chảo Thị Yến, huyện Bát Xát (Lào Cai) buồn khi chứng kiến nhiều lao động tại miền núi bỏ làm nông đi làm thuê trong các khu công nghiệp. Ngoài ra, giới trẻ có xu hướng làm nghề có lương thay vì sản xuất nông nghiệp, cũng có người trẻ bỏ phố về quê nhưng ít.

Cùng trăn trở, nông dân Võ Viết Minh Châu, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói chứng kiến từng đoàn người rời quê khiến anh đau xót. Khi về quê họ cũng không có việc làm, thu nhập. Anh Châu muốn Chính phủ có giải pháp chuyển đổi lao động, để người dân không phải ly hương. Trong khi đó, nông dân Lý Văn Bon ở Cần Thơ hỏi biện pháp hỗ trợ người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Lần lượt trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cả nước có khoảng 7 triệu lao động di cư. Chính phủ đã dành 89.000 tỷ đồng hỗ trợ 55 triệu lượt người, tới đây sẽ tiếp tục rót 6.600 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho nông dân, công nhân. “Cố gắng thực hiện ly nông bất ly hương, xây dựng nông thôn mới đi liền với đó là đô thị hóa. Phát triển mạng công nghiệp phụ trợ giúp nông dân làm công nhân, ăn cơm nhà, nghỉ ở nhà, không phải rời xa quê”, ông Dung nói.

Tiếp lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 3/4 cả nước. Đây là nơi tiềm năng lớn về nông nghiệp, du lịch. Tới đây Ủy ban Dân tộc sẽ chú trọng hỗ trợ khoa học công nghệ cho người trẻ dân tộc.

Riêng nội dung về phát triển ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương của Đảng đã rất rõ, vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 13 về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị. Trong đó, phát triển hạ tầng ĐBSCL là nội dung ưu tiên cao nhất nhiệm kỳ này.

Suốt hơn 3 giờ đối thoại, 14 vấn đề được nông dân đặt ra cho Thủ tướng, 10 tư lệnh ngành tham gia trả lời.

Đây là lần thứ tư, đối thoại giữa Thủ tướng và nông dân diễn ra và là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Trong hơn 500 người tham dự có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước.

Tổng kết buổi đối thoại, Thủ tướng nhận thấy có 10 vấn đề nổi cộm gồm tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; chuyển đổi số; nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch; sản xuất theo tín hiệu thị trường; góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp; việc làm ở khu vực nông nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, triển khai các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, nhiều thành tựu đã đạt được. Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp vẫn tăng trưởng 2,98%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD. Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu toàn ngành đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Bình Minh

Tin liên quan: