Tuần ảm đạm của thị trường vàng

Dòng tiền rút khỏi thị trường và đứng ngoài đã khiến giá vàng thế giới suy yếu, kéo theo đó là giá vàng trong nước trải qua một tuần giao dịch ảm đạm.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch giữa tháng 3 với phiên giảm sâu đêm qua (giờ Việt Nam). Trong đó, giá vàng thế giới giao ngay đêm qua đã giảm 20,5 USD, đóng cửa ở mức 1.921,9 USD/ounce, tương đương mức giảm ròng hơn 1% trong ngày.

Tính trong tuần này, giá vàng thế giới đã giảm tổng cộng 69,2 USD, tương đương gần 3,5%. Đáng chú ý, 4/5 phiên giao dịch tuần này ghi nhận diễn biến giá vàng đóng cửa thấp hơn mở cửa, cho thấy xu hướng dòng tiền đã rút khỏi thị trường qua từng phiên.

Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, tuần này chứng kiến tâm lý đứng ngoài thị trường của các nhà đầu tư bất chấp xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt và lạm phát toàn cầu ở mức cao.

Nguyên nhân chính khiến giá vàng suy yếu tuần này là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), với quyết định nâng lãi suất 0,25 điểm %. Thông tin này khi đưa ra đã khiến vàng giảm sâu xuống vùng dưới 1.890 USD, trước khi bật tăng trở lại vùng trên 1.920 USD hiện tại.

Gia vang trong nuoc hom nay anh 1
Diễn biến giá vàng thế giới gần đây. Nguồn: Tradingview.

Theo dữ liệu của KGX (Kitco Gold Index), áp lực bán của nhà đầu tư trực tiếp khiến giá vàng giảm 16,2 USD trong phiên cuối tuần vừa qua, tương đương gần 80% mức giảm chung trên thị trường. Còn lại là tác động từ đồng USD tăng giá.

Với thị trường trong nước, dù duy trì vùng giá gần 69 triệu đồng/lượng cuối tuần này, việc giá vàng thế giới suy yếu cũng khiến giá vàng miếng trong nước trải qua một tuần ảm đảm.

Hầu hết doanh nghiệp lớn trong nước đều cho biết doanh số giao dịch các mặt hàng vàng đã giảm mạnh trong tuần này, sau tuần tăng đột biến trước đó. Doanh số vàng miếng khu vực Hà Nội của một số doanh nghiệp đã giảm một nửa so với tuần trước.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), sau tuần tăng giá kỷ lục trước, giá vàng miếng khởi đầu tuần này ở mức 68,2 – 70 triệu/lượng (mua vào – bán ra), thấp hơn 200.000 đồng so với cuối tuần trước.

Khi vàng thế giới giảm xuống dưới vùng 1.890 USD phiên 16/3, giá vàng miếng SJC cũng rơi về mức thấp nhất tuần ở 66,4 triệu/lượng (mua) và 67,6 triệu/lượng (bán).

Đà phục hồi của thị trường thế giới đã giúp mặt hàng này tăng lại trong 3 phiên cuối tuần, hiện cố định ở 67,8 – 68,9 triệu/lượng. Dù đã tăng 1,3 triệu đồng so với đáy giữa tuần, nhưng so với cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC hiện vẫn thấp hơn 1,3 triệu/lượng.

Tương tự với mặt hàng vàng nhẫn SJC loại 99,99%, sau khi tăng vượt mốc 58 triệu/lượng tuần trước, đầu tuần này, giá đã giảm về 57,15 triệu/lượng và giảm tiếp về vùng 55,95 triệu đồng hiện tại. Như vậy, giá vàng nhẫn SJC cũng đã mất 1,2 triệu đồng trong tuần này.

Biều đồ giá vàng tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tuần này cũng diễn biến tương tự SJC khi giảm sâu đầu tuần và phục hồi vào 3 phiên cuối. Hiện giá mua – bán vàng miếng tại đây vẫn thấp hơn so với cuối tuần trước hơn 1 triệu đồng, với giá mua vào ở 67,8 triệu/lượng và bán ra ở 68,8 triệu/lượng.

Với mặt hàng vàng nhẫn PNJ chế tác, dù vẫn giữ được mốc 56 triệu/lượng, nhưng so với cuối tuần trước, mặt hàng này đã giảm xấp xỉ 1 triệu đồng.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện niêm yết giá mua vào vàng miếng ở 67,7 triệu/lượng, tăng 1,7 triệu so với đáy ngày 17/3 và cao hơn nửa triệu đồng so với cuối tuần trước.

Với giá bán ra, DOJI hiện niêm yết ở mức 68,9 triệu/lượng, tăng 1,3 triệu so với đáy trong tuần, nhưng thấp hơn 1,1 triệu so với cuối tuần trước.

Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp trong nước như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Mi Hồng… đều niêm yết giá bán vàng miếng dưới mốc 69 triệu/lượng. Trong khi đó, giá mua vào được các doanh nghiệp này đưa ra phổ biến trong khoảng 67,8 triệu đồng.