Âm nhạc Hồng Đăng: Muôn khúc tình ca

Trong gia tài hơn 700 ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng, tác phẩm “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay” in dấu ấn sâu đậm với khán giả.

Ngày 21/3, nhạc sĩ Hồng Đăng, người viết bài Hoa sữa, người đã gieo hương vào trang lưu bút nhiều thế hệ, qua đời vì bệnh già. Ông ra đi, để lại vấn vương trong lòng khán giả yêu nhạc, những ai sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và cả những người con từ nhiều mảnh đất, yêu loài hoa từ trong tâm tưởng.

“Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em?
Có lẽ nào em lại xa anh?”

Tác phẩm quen thuộc nhất của ông ra đời năm 1987, khi đạo diễn Đức Hoàn đặt ông viết nhạc phim điện ảnh Hà Nội mùa chim làm tổ. Phim gần quay xong, nhạc sĩ vẫn “bí” ý tưởng, được nhà thơ Nguyễn Hương Trâm gợi ý về loài hoa thơm nhưng ít người biết, trồng nhiều ở đường Nguyễn Du.

Nhạc sĩ Hồng Đăng có nhiều tác phẩm in dấu ấn sâu đậm với khán giả.

Lúc ấy, dù chưa biết hình dáng, hương thơm hoa sữa như thế nào, Hồng Đăng bỗng thấy dạt dào cảm xúc, nhanh chóng hoàn thành bài hát. Ca khúc nói về tình yêu đẹp của một đôi trai gái không thể đến với nhau, mỗi bên đều trân trọng kỷ niệm về người kia. Hoa sữa, với hình ảnh nên thơ “Em vẫn từng đợi anh như hoa từng đợi nắng”, trở thành bài hát được yêu thích của học sinh, sinh viên thời ấy. Sau khi bài hát phổ biến, hoa sữa được trồng nhiều hơn ở Hà Nội và các địa phương. Nhạc sĩ Hồng Đăng từng kể vui mỗi độ thu về, nhiều người gọi điện trách ông vì bài hát khiến hoa sữa được trồng kín đường, tỏa mùi nồng, ngột ngạt.

Ngoài Hoa sữa, trong hơn 60 năm gắn bó Hà thành, ông còn sáng tác nhiều ca khúc lấy cảm hứng từ mảnh đất này, trong đó có bài Kỷ niệm thành phố tuổi thơ. Ca sĩ Hồng Nhung nhớ khi cô còn bé, nhạc sĩ Hồng Đăng thường cùng bố cô – dịch giả Lê Văn Viện – và nhiều tri kỷ là những trí thức Hà Nội một thời – hàn huyên trong căn nhà ở số 11 Điện Biên Phủ. Chị cảm nhận nhạc sĩ đã miêu tả những ngày tháng quây quần bạn bè trong ca khúc. Đó là mùa hè của Hà Nội với trời xanh, những cành sấu, cành me, tiếng ve xao xác.

“Điệp khúc tiếng ve triền miên
Tiếng ve đu cành sấu
Tiếng ve náu cành me
Tiếng ve vẫy tuổi thơ
Tiếng ve chào mùa hè”

Các ca khúc Người sông Hồng, Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Ký ức đêm… cũng chung dòng cảm hứng thơ mộng, khắc họa thiên nhiên, con người thành phố dịu dàng, nên thơ.

Trong con mắt đồng nghiệp, Hồng Đăng là nhạc sĩ tài năng, toàn diện. Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nói Hồng Đăng sáng tác nhiều đề tài, ghi dấu với bút pháp lãng mạn. Sinh năm 1936 ở Nghệ An, sớm ra Hà Nội học Trường Âm nhạc Việt Nam năm 20 tuổi, ông được tiếp thu cả nền văn hóa truyền thống, những làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh lẫn kiến thức nhạc lý hiện đại. Các tác phẩm của ông vì thế mang âm hưởng tươi mới nhưng vẫn toát lên nét dung dị, dễ đi vào lòng người nghe. Nhạc sĩ thân thiết giới họa sĩ, lại am hiểu kiến thức văn hóa nhiều lĩnh vực. Vì thế, ca từ trong âm nhạc của ông lấp lánh màu sắc hội họa.

Các ca khúc của Hồng Đăng còn đề cập đến các quy luật cuộc sống, triết lý nhân sinh một cách tinh tế, ý nhị. Trong bài Biển hát chiều nay, ông dùng hình ảnh con thuyền lênh đênh trên sóng để nói về vận mệnh thăng trầm của đất nước.

“Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao
Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào
Môi cười rất xinh lung linh màu áo
Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu…

Ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”

Trọng Tấn hát 'Biển hát chiều nay'
Ca sĩ Trọng Tấn thể hiện “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng. 

Con người cố nhạc sĩ có chất lãng tử, hào hoa. Ông thường tự viết lời, hiếm khi phổ nhạc thơ ai. Vì thế, ca từ và chất nhạc của Hồng Đăng là tổng thể hòa quyện. Ông thường miêu tả những câu chuyện riêng của đôi lứa, từ đó gửi gắm thông điệp về cái “ta” chung của xã hội về tình yêu, sự gắn kết. Trong ca khúc Lênh đênh, ông viết:

“Có một con đường như
Đợi một con suối
Có một ngọn gió bay
Tìm một ngọn núi
Có một cánh rừng chàm
Một cánh chim đêm
Tiếng hát lênh đênh mong…
Một phút bình yên”

Ngoài các bản nhạc nhẹ, nhạc sĩ Hồng Đăng viết một số tác phẩm cách mạng, ca ngợi Hồ Chủ tịch như Nhớ ơn cụ Hồ, Quà tháng 5 dâng Người… Ông không đưa những lời kêu gọi “đao to búa lớn” vào nhạc phẩm mà chắt chiu rung cảm chân thành, qua giọng điệu thủ thỉ, tâm tình.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi nói: “Hồng Đăng vẽ bức tranh nhiều sự vật, hiện tượng ở trạng thái tĩnh, thế nhưng dòng cảm xúc của ông luôn động đậy, tuôn trào. Ông viết hơn 700 ca khúc, nhiều bài không quá phổ biến bởi cấu trúc, cách hát khó. Tuy nhiên, với những cống hiến của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng được đề xuất xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ đó là thành quả xứng đáng cho những đóng góp của ông”.

Tin liên quan: