Rút ngắn thời gian điều chỉnh, giảm thuế nhập khẩu… là những đề xuất được đưa ra nhằm giảm mức tăng "sốc" của giá xăng dầu hiện nay.
Kể từ ngày 11/3, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 cùng các loại dầu tiếp tục tăng mạnh. Mức tăng lên tới gần 3.000 đồng/lít đến gần 4.000 đồng/lít, tùy loại.
Hiện xăng E5 RON 92 có giá bán 28.980 đồng/lít; RON 95 là 29.820 đồng/lít; dầu diesel 25.260 đồng/lít, dầu hỏa 23.910 đồng/lít; dầu mazut 20.980 đồng/kg.
Xăng dầu liên tục xô đổ kỷ lục về giá gây áp lực lớn tới lạm phát, đời sống người dân, doanh nghiệp thêm khó khăn. Để hạ nhiệt thị trường, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022.
Sau khi được thông qua, việc giảm thuế này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/4. Sau khi giảm thuế, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh giảm 1.100 đồng mỗi lít.
Bàn thêm về cách hạ nhiệt giá xăng dầu, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho biết, dư địa để “hạ nhiệt” vẫn là thuế phí. Ông cho rằng cơ quan quản lý cũng cần tính toán, có kiến nghị thêm giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả.
Theo ông Cường, người dân, doanh nghiệp khó khăn khi giá xăng dầu lên cao. Trong khi đó, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực. “Phải tính toán làm sao để trong những lúc căng thẳng thế này, lợi ích của doanh nghiệp xăng dầu giảm đi, nhưng không đồng nghĩa với việc để họ lỗ kéo dài. Nếu lỗ triền miên họ đóng cửa, làm sao để thông suốt được nguồn cung”, ông Cường lo ngại.
Trong khi đó, nói với Dân trí, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam – cho biết hiện giá xăng dầu đang đi sau thế giới nên gây ra hiện tượng tăng “sốc”.
Theo ông Thỏa, điều hành thị trường xăng dầu vừa qua đã tuân thủ Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, thị trường lại vẫn xảy ra bất ổn. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những bất cập cả về cung cách điều hành và bất cập của chính cơ chế điều hành.
Về cung cách điều hành, ông Thỏa cho rằng công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung – cầu – giá cả) thiếu sát thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động, chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra.
Vấn đề nổi cộm khác hiện nay, theo ông Thỏa, đó là cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày. Nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày).
“Quy định đó làm cho giá trong nước lệch pha với giá thị trường thế giới. Giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo”, ông Thỏa.
Thực tế vừa qua cũng cho thấy điều đó khi kỳ điều hành đầu ngày 1/2 rơi đúng vào ngày nghỉ Tết. Việc nén lại thời gian điều chỉnh cho đến kỳ tiếp theo là 11/2 khiến thị trường xuất hiện những gián đoạn cục bộ cùng nhiều rối ren khác.
Mặt khác, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn… làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho doanh nghiệp và tất yếu xảy ra hiện tượng găm hàng, chờ giá tăng, thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi.
“Theo tôi, chu kỳ điều hành giá cần thay đổi theo hướng phù hợp với biến động của thị trường, có thể bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần, thay bằng hàng ngày. Nếu chưa làm được như vậy thì trước mắt có thể ở mức 5 ngày. Thời gian này phù hợp với phương thức mua bán hiện nay cả các thương nhân xăng dầu”, ông Thỏa đề xuất.
Theo các chuyên gia, trong lúc thị trường thế giới quá nhiều biến động, giá tăng – giảm liên tục thì việc trì hoãn lại với kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần khiến giá xăng dầu trong nước bị “dồn lại”. Mức tăng hôm 11/3 vừa qua dao động từ 3.000 – 4.000 đồng mỗi lít là rất “sốc”. Khi nghe thông tin này, người dân đã đổ xô đi mua xăng dầu trước thời điểm tăng giá.
Mặc dù giá tăng mạnh như vậy nhưng ngay tại ngày điều chỉnh hôm đó, doanh nghiệp xăng dầu vẫn “điệp khúc” càng nhập càng lỗ, càng bán càng lỗ. Nguyên nhân được chỉ ra là do lấy giá của chu kỳ trước áp cho chu kỳ sau trong bối cảnh giá thế giới biến động theo chiều hướng đi lên. Việc linh hoạt hơn về thời gian điều chỉnh sẽ giảm độ “sốc” của mỗi lần tăng, đồng thời đảm bảo gỡ khó hơn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Hiện thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/3 và kỳ điều hành ngày 11/3 là: 132,25 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 18,77% so với kỳ trước); 135,7 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 18,86% so với kỳ trước).
Tin liên quan: