Giá dầu thế giới đảo chiều tăng trở lại trong phiên hôm qua, áp sát mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 dưới áp lực tồn kho bên cạnh tác động từ rủi ro địa chính trị.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên giao dịch 24/6, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá. Trong đó, nhóm nguyên liệu công nghiệp biến động rất mạnh. Nhóm năng lượng và nông sản phần lớn tăng giá, hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt phiên tăng nhẹ 0,21% lên 2.283 điểm.
Giá dầu thế giới đảo chiều tăng trở lại trong phiên hôm qua, áp sát mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 dưới áp lực tồn kho bên cạnh tác động từ rủi ro địa chính trị. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,1% lên 81,63 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,9% lên mức 86,01 USD/thùng.
Cuộc khảo sát hàng tuần của Reuters cho thấy, thị trường đang dự đoán tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/6, trong khi tồn kho xăng cũng được dự báo giảm 1,1 triệu thùng. Kỳ vọng tồn kho thu hẹp tại Mỹ trong giai đoạn nhu cầu di chuyển tăng cao tạo ra lực hỗ trợ đối với giá.
Cùng với đó, áp lực nguồn cung cũng hỗ trợ đà tăng đối với giá. Theo Bộ Năng lượng Nga, sản lượng xăng của nước này tăng lên mức trung bình 108.000 tấn mỗi ngày, cao hơn 2% so với mức trung bình trong tháng 5. Tuy nhiên con số được công bố vẫn thấp hơn 7,2% so với mục tiêu được Nga đề ra. Nguồn cung suy giảm sẽ có thể là một trong những yếu tố khiến Chính phủ Nga xem xét trở lại các biện pháp hạn chế xuất khẩu năng lượng trong tháng 7.
Yếu tố địa chính trị cũng khiến giá dầu bật tăng trở lại sau khi lực lượng Houthi cho biết đã phối hợp với lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq tấn công các tàu Israel tại cảng Haifa. Từ cuối tháng 5, Houthi đã mở rộng phạm vi hoạt động ở ba vùng biển bao gồm: Biển Đỏ, Biển Arab và Biển Địa Trung Hải. Đây là một diễn biến khá đáng lo ngại đối với phương Tây khi trước đó, lực lượng dưới sự hậu thuẫn của Iran không thể vượt tới khu vực Biển Địa Trung Hải.
Ở một diễn biến khác, giá khí cũng đảo chiều tăng gần 4% sau khi Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên thông qua các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên của Nga. Cụ thể, EU sẽ cấm các dịch vụ vận chuyển LNG của Nga trên lãnh thổ những nước EU nhằm mục đích thực hiện các hoạt động trung chuyển sang nước thứ ba. Ngoài ra, EU cũng cho phép Thụy Điển và Phần Lan hủy bỏ một số hợp đồng LNG đã ký trước đó và sẽ bổ sung 27 tàu, trong đó có 19 tàu chở dầu và khí đốt, vào danh sách các thực thể bị trừng phạt.
Cacao đánh mất 11% trong phiên
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/6, giá cacao trên Sở ICE US đánh mất hơn 11% trong phiên hôm qua, về mức thấp nhất trong 1 tháng. Giới quan sát cho rằng, sự suy yếu của giá cacao trong phiên đầu tuần chủ yếu đến từ sự bán tháo của các nhà đầu cơ sau hoạt động yếu kém của hợp đồng cacao kỳ hạn vào tuần trước.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cacao vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các nhà xuất khẩu mặt hàng này ước tính, đến ngày 23/6, lượng cacao đến các cảng Bờ Biển Ngà ở mức 1,577 triệu tấn, giảm 27,70% so với cùng kỳ mùa trước. Thị trường vẫn đang cực kỳ thắt chặt, tỉ lệ tồn kho trên tiêu thụ vào cuối vụ hiện tại là mức thấp nhất kể từ trước đến nay.
Trái lại, giá cà phê Arabica tăng mạnh 5% lên 5.208,41 USD/tấn, là mức cao nhất trong 2 tháng. Giá cà phê Robusta cũng tăng 3,6% lên 4.252 USD/tấn, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất 3 tuần. Lo ngại gián đoạn nguồn cung cà phê tại Việt Nam và Brazil, hai quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là nguyên nhân quan trọng hỗ trợ giá tăng.
Tin liên quan: