Phụ huynh cần chú ý các bệnh về thời tiết, chuẩn bị thuốc dự phòng, đảm bảo trẻ ăn chín uống sôi và ngủ đủ giấc.
Tết là thời điểm bé theo bố mẹ về thăm ông bà, đồng thời là cơ hội trải nghiệm các lễ hội, hoạt động vui chơi, ẩm thực đặc sắc của quê hương. Một số khác chọn đi du lịch trong dịp này.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh (Khoa Nhi – Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn) chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe phòng bệnh ngày Tết, gồm:
Các bệnh liên quan thời tiết
Nếu đến vùng có thời tiết mưa lạnh như các tỉnh ở khu vực miền Trung và miền Bắc, cha mẹ cần lưu ý chuẩn bị sẵn quần áo ấm cho bé để phòng ngừa các bệnh về hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi.
“Tránh sưởi ấm bằng bếp than trong phòng kín dễ gây ngộ độc khí than (carbon monoxide – CO) rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời”, bác sĩ Lĩnh khuyến cáo.
Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và các loại khói khác, đặc biệt trẻ có tiền căn suyễn. Người đang bị bệnh cấp tính như sốt, ho cần hạn chế tiếp xúc gần với bé. Nếu phải chăm sóc trẻ thì cần đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên với xà phòng
Ngược lại ở miền Nam, thời tiết giao mùa nắng nóng vào dịp Tết là điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng phát triển. Trẻ cần được uống đủ nước để đề phòng mất nước, tránh hoạt động thể lực vui chơi ngoài trời quá lâu trong thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều có thể gây sốc nhiệt.
Cha mẹ cũng cần lưu ý phòng các bệnh lây truyền qua trung gian muỗi đốt như sốt xuất huyết Dengue bằng cách sử dụng kem chống muỗi, ngủ mùng (màn) kể cả ban ngày, mặc áo quần dài khi đi ra ngoài.
Các bệnh liên quan ăn uống
Dịp Tết, các gia đình thường tổ chức các buổi tiệc tất niên, tân niên… nên cha mẹ cần lưu ý vấn đề ăn uống cho bé. Trẻ cần được ăn chín uống sôi, khuyến khích bé rửa tay với xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh để đề phòng các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy cấp
Cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước, ăn thêm rau củ quả nhiều chất xơ để đề phòng táo bón, đặc biệt trong dịp Tết trẻ thường ham chơi nên nhiều khi nhịn vệ sinh, lâu dần làm tình trạng táo bón nặng hơn.
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đề phòng trẻ sặc thức ăn gây dị vật đường thở như các loại hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí, các loại đậu, hạt nhãn, hạt mãng cầu, hạt chôm chôm; đặc biệt hóc thạch rau câu gây dị vật đường thở rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Trẻ cũng có thể hóc các vật dụng nhỏ khác như các bộ phận của đồ chơi, viên thuốc. Khuyến khích trẻ không nên nô đùa, cười giỡn hay nói chuyện trong lúc ăn uống dễ gây sặc. Cha mẹ cũng nên học một số kỹ năng sơ cứu dị vật đường thở ở trẻ em.
Trẻ nhỏ có thể nuốt các bộ phận nhỏ của đồ chơi như pin, nam châm, kẹp giấy… gây dị vật đường tiêu hóa, đôi khi rất nguy hiểm nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.
Đề phòng tai nạn
Phụ huynh cần chú ý tai nạn giao thông (đặc biệt do một số người lạm dụng bia rượu trong dịp Tết), tai nạn tại các khu vui chơi, đuối nước, chấn thương, tai nạn do đốt pháo.
Trẻ ngủ đủ giấc
Tết là thời gian đặc biệt cho trẻ trải nghiệm các trò chơi dân gian, vui đùa cùng anh em, bạn bè. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý không để trẻ thức quá khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc để tăng miễn dịch cũng là cách phòng bệnh hữu hiệu.
Chuẩn bị thuốc
“Một số thuốc cơ bản cha mẹ có thể chuẩn bị nếu đi du lịch xa như hạ sốt paracetamol, dung dịch điện giải, men tiêu hóa, dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ, betadine, băng dán cá nhân, gạc…”, bác sĩ Lĩnh khuyên.
Đối với những trẻ có bệnh mạn tính đang được theo dõi điều trị như suyễn thì cha mẹ cần mang theo thuốc, bầu hỗ trợ hít, máy khí dung… theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Trong tất cả các trường hợp, cần nghiêm túc tuân thủ 5K và các quy định phòng dịch Covid-19 ở địa phương, mang khẩu trang cho trẻ trên hai tuổi khi ra ngoài.
Tin liên quan: