Giá ca cao bất ngờ lên mức cao nhất trong một tháng

Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao bất ngờ vọt lên mức cao nhất trong một tháng trước những lo ngại về nguồn cung suy giảm.

Giá ca cao bất ngờ lên mức cao nhất trong một tháng- Ảnh 1.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ghi nhận nhiều diễn biến đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 2/4. Đóng cửa, lực mua áp đảo đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2%, vượt mốc 2.330 điểm – mức cao nhất kể từ tuần cuối tháng 2.

Đặc biệt, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao bất ngờ vọt lên mức cao nhất trong một tháng trước những lo ngại về nguồn cung suy giảm. Ở chiều ngược lại, giá dầu cũng bất ngờ quay đầu tăng mạnh do ảnh hưởng từ tình trạng thiếu hụt trong ngắn hạn. Sáng nay (3/4) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế đối ứng lên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến, trong phiên giao dịch hôm nay, giá hàng hóa thế giới sẽ biến động rất mạnh.

Ca cao leo dốc trở lại mức cao nhất trong vòng một tháng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/4, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp. Ca cao đã thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư khi dẫn dắt xu hướng tăng của toàn thị trường.

Đóng cửa, giá ca cao hợp đồng tháng 5 đã tăng mạnh lên mức hơn 9.168 USD/tấn, tăng 9,67% và chạm mức cao nhất trong vòng một tháng. Đây là phiên tăng thứ hai liên tiếp với tổng mức tăng gần 13,5% so với giá đóng cửa ngày 31/3, phản ánh tâm lý tích cực của thị trường trước các thông tin cơ bản.

Giá ca cao bất ngờ lên mức cao nhất trong một tháng- Ảnh 2.

Triển vọng nguồn cung ca cao toàn cầu đang trở nên kém lạc quan khi vụ thu hoạch giữa mùa tại Tây Phi, khu vực sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, ghi nhận nhiều dấu hiệu suy giảm. Theo báo cáo từ Rabobank, những cơn mưa đến muộn đã hạn chế sự phát triển của cây trồng tại Bờ Biển Ngà và Ghana.

Các cuộc khảo sát gần đây với nông dân trong khu vực cũng cho thấy kết quả không khả quan. Ước tính sản lượng trung bình cho vụ giữa mùa năm nay tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, chỉ đạt 400.000 tấn, giảm 9% so với mức 440.000 tấn của năm ngoái. Mặc dù dữ liệu từ chính phủ Bờ Biển Ngà công bố hôm thứ Ba cho thấy nông dân đã vận chuyển 1,44 triệu tấn ca cao đến các cảng từ ngày 1/10 đến ngày 30/3, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 35% được ghi nhận hồi tháng 12.

Trong khi đó, trên thị trường cà phê, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 5 giảm nhẹ 0,05%, trong khi giá cà phê Robusta chốt phiên ở mức 5.336 USD/tấn, giảm 0,11%. Diễn biến này phản ánh sự điều chỉnh của thị trường sau các phiên biến động trước đó.

Theo số liệu thống kê từ ICE, lượng tồn kho Arabica tính đến ngày 2/4 đạt 777.263 bao, duy trì mức thấp nhưng không thay đổi nhiều so với tuần trước. Trong khi đó, tồn kho Robusta giảm nhẹ từ mức cao nhất trong vòng 7 tuần là 4.414 lô (ngày 25/3) xuống còn 4.342 lô.

Giá ca cao bất ngờ lên mức cao nhất trong một tháng- Ảnh 3.

Giá dầu tăng mạnh bất chấp những lo ngại về nhu cầu

Theo MXV, giá dầu đã bất ngờ quay đầu tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 2/4, bất chấp những lo ngại về nhu cầu dầu trong tương lai. Ảnh hưởng từ tình hình thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn vẫn đang chiếm ưu thế khi thị trường có thể cảm nhận được những “rung lắc” từ công bố thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kết thúc phiên, giá dầu Brent đạt 74,95 USD/thùng, tăng 0,62%, trong khi giá dầu WTI tăng 0,72% lên 71,71 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất của cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 3.

Hiện tại, những lo lắng về nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn sau khi những biện pháp trừng phạt của Mỹ được công bố nhắm vào mặt hàng dầu thô từ Iran và Venezuela. Theo ước tính, lượng dầu xuất khẩu từ Venezuela trong tháng 3 đã giảm 11,5% so với tháng trước.

Trong khi đó, trước khi triển khai kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 4 và công bố kế hoạch tương tự cho tháng 5, OPEC+ đã thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng dư thừa vượt hạn mức của nhiều nước thành viên. Kazakhstan là một trong những quốc gia chịu áp lực lớn nhất từ quyết định này và vấn đề cắt giảm sản lượng tại đây được dự đoán sẽ trở thành trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ diễn ra trong tuần này.

Bên cạnh đó, trong tháng 3 vừa qua, OPEC+ đã giảm sản lượng dầu thô xuống còn khoảng 27,43 triệu thùng/ngày, thấp hơn 110.000 thùng/ngày so với tháng trước. Nigeria là nước đóng góp lớn nhất vào mức giảm này với sản lượng giảm khoảng 50.000 thùng/ngày, chủ yếu do vụ cháy đường ống dẫn dầu Trans-Niger vào ngày 19/3, khiến hệ thống bị gián đoạn suốt 6 ngày.

Ngoài ra, nguồn cung dầu toàn cầu còn chịu thêm áp lực khi chính phủ Nga yêu cầu đóng cửa hai trong ba bến neo đậu tại cảng xuất khẩu dầu chính thuộc Liên doanh Đường ống dẫn dầu Caspian (CPC) ở Biển Đen. Động thái này có thể làm giảm lượng dầu xuất khẩu qua CPC tới 700.000 thùng/ngày, gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung khu vực.

Chiều ngày 2/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Trump đã công bố loạt thuế đối ứng mới áp dụng lên các mặt hàng nhập khẩu từ hàng loạt đối tác thương mại lớn. Cho đến thời điểm 6h sáng nay, thị trường phản ứng mạnh với thông tin này trong phiên giao dịch ngày 3/4. Giá dầu WTI đã ghi nhận mức giảm sâu lên tới hơn 2,5% và xu hướng giảm này được dự đoán sẽ tiếp tục cho đến hết phiên ngày hôm nay.

Tin liên quan: