Giá hàng hoá nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 15/8, lực bán hoàn toàn áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu thế giới đã kéo chỉ số MXV-Index nối dài đà giảm sang ngày thứ tư liên tiếp, sau khi giảm 1,52% xuống 2.221 điểm, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Giá hàng hoá nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 1.

Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở đã ghi nhận đà tăng 5 ngày liên tiếp, đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với ngày trước đó.

Nhóm nông sản chịu sức ép bán

Nhóm nông sản dẫn dắt xu hướng toàn thị trường hàng hoá, khi 6/7 mặt hàng ghi nhận các mức giảm tương đối mạnh. Giá ngô sụt giảm 2,51%, chấm dứti xu hướng giằng co đi ngang trong suốt gần 10 phiên trước đó. Giá đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, sau khi phá vỡ vùng đáy thiết lập vào cuối tháng 7. MXV cho biết, lực bán được đẩy mạnh chủ yếu do những kỳ vọng của thị trường về mùa vụ ngô của Mỹ.

Giá hàng hoá nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 2.

Tương tự ngô, giá lúa mì cũng ghi nhận mức giảm mạnh, đóng cửa ngay dưới vùng hỗ trợ tâm lý 220 USD/tấn, do triển vọng tích cực của mùa vụ tại Mỹ.

Bên cạnh đó, những nỗ lực hỗ trợ Ukraine của châu Âu hay các con đường vận chuyển thay thế bằng đường bộ, đường sắt cũng mang lại triển vọng tích cực hơn về dòng chảy thương mại từ Ukraine và củng cố lực bán với mặt hàng này.

Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá ngô Mỹ nhập khẩu về cảng được điều chỉnh giảm cùng chiều với giá giao dịch thế giới. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán về mức 6.200 – 6.400 đồng/kg đối với ngô giao kỳ hạn các tháng quý IV năm nay. Tại cảng Cái Mép, giá chào bán dao động trong khoảng 6.150 – 6.300 đồng/kg.

Giá dầu thô sụt giảm

Theo sau nhóm nông sản, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Dẫn đầu là giá khí tự nhiên với mức giảm 4,87% trong bối cảnh giới phân tích dự báo nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ thấp hơn trong tuần tới, trong khi sản lượng sẽ gia tăng. Trong khi đó, 2 mặt hàng dầu thô chịu sức ép từ các dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn thứ hai thế giới. Chốt ngày, giá dầu WTI giảm 1,84% xuống 80,99 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,53% xuống 84,89 USD/thùng.

Giá hàng hoá nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 3.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong tháng 7 và yếu hơn nhiều so với dự báo. Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 3,7% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4,5% của các chuyên gia kinh tế và mức tăng 4,4% trong tháng 6.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022, chỉ tăng 2,5% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức tăng 3,1% trong tháng 6.

Đầu tư tài sản cố định cũng thấp hơn kỳ vọng của thị trường trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng trở lại. Điều này phản ánh mức độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế.

Ngoài ra, nguồn cung tăng cường từ Iran làm giảm áp lực thâm hụt trên thị trường dầu, góp phần hạ nhiệt giá dầu.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/6, giảm nhiều hơn 3,9 triệu thùng so với dự báo của thị trường, trong khi tồn kho xăng cũng giảm 0,76 triệu thùng. Điều này cho thấy tình hình tiêu thụ tại Mỹ nhiều khả năng vẫn đang tương đối tích cực.

Theo Hiệp hội ô tô Mỹ, giá xăng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 1 năm, với giá bán lẻ trung bình trên toàn quốc đạt 3,86 USD/gallon vào ngày 15/8, cao hơn 7% so với một tháng trước. Điều này có thể khiến giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên mở cửa sáng nay.

Tin liên quan: