Giá xăng ngày kia có thể được điều chỉnh sớm hơn

Thông thường giá mới được công bố vào 15h nhưng tại kỳ điều hành ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường giảm từ 0h nên giá xăng sẽ được điều chỉnh sớm hơn.

“Bình thường giá xăng được điều chỉnh 10 ngày một lần vào 15h, song lần này, việc giảm thuế môi trường có hiệu lực, việc điều chỉnh có thể sớm hơn, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, doanh nghiệp, tiêu dùng”, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nói tại họp báo thường kỳ chiều 30/3.

Kỳ điều hành ngày 1/4 tới sẽ được ghi nhận mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mới, theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, mỗi lít xăng sẽ giảm 2.000 đồng và dầu 1.000 đồng (chưa gồm thuế VAT).

Về khả năng giảm giá xăng, dầu hay không, ông Hải nói, còn phụ thuộc vào giá thế giới. Hiện vẫn chưa có tính toán cụ thể, nhưng ông cho rằng, trường hợp giá thế giới tăng 3.000 đồng một lít thì trong nước sẽ phải tăng 1.000 đồng một lít. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là đàm phán giữa Nga và Ukraine đã có tiến triển hơn, nên 2 ngày gần đây giá dầu thô đã hạ nhiệt dù trước đó ở mức cao.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, cho biết ngày mai (31/3), cơ quan này mới tập hợp đủ dữ liệu để tính toán việc điều hành giá xăng, dầu vào 1/4.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Thường Trần
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Thường Trần

Về nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, quý II không tính lượng xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung cấp nên bộ đã phân giao cho 10 đầu mối lớn nhất nhập khẩu xăng dầu để bù vào phần thiếu hụt này.

Riêng trong tháng 2, theo ông Hải, nhà máy Nghi Sơn chỉ cung cấp được 50% cho các hợp đồng, cam kết cho nhà cung cấp, việc này khiến lượng xăng dầu cả nước thiếu khoảng 17-20%. Vì thế, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, việc đáp ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong tháng 2 và 3 là “sự cố gắng lớn”.

Về khả năng cung ứng xăng dầu trong quý II, Bộ Công Thương cho biết, sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu người dân. Đầu tuần tới Bộ này sẽ làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để xem nhà máy này có thể cung cấp được bao nhiêu theo từng tháng quý III. Phần thiếu hụt Bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động nhập khẩu để bù đắp.

Hiện, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã cơ bản khởi động trở lại, nhưng việc đảm bảo cung ứng trong quý II, nhất là tháng 5 và 6 chưa rõ ràng.

“Tới giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể sản lượng của lọc dầu Nghi Sơn sẽ giao cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong tháng 5 và 6”, ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ thị trường trong nước, cho biết.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu bù đắp theo ông, không phải câu chuyện “ngày một, ngày hai”. Hai năm ảnh hưởng của Covid-19, các thương nhân đầu mối về cơ bản lấy sản phẩm của nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn để tiêu thụ, chỉ nhập khẩu những sản phẩm chưa đáp ứng được.

“Việc kết nối lại để mua, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp trở nên khó khăn hơn. Không phải riêng Việt Nam đi tìm nguồn cung xăng dầu mà nhiều nước thế giới cũng vậy. Điều này sẽ gây tốn kém nhiều hơn cho các đầu mối nhập khẩu”, ông Tuấn cho biết. Bên cạnh đó, xăng dầu là mặt hàng không dễ mua và nhà nhập khẩu cần tính toán và mức thuế tại mỗi thị trường để đưa ra quyết định.

Tin liên quan: