‘Màu của Mế’-Trải nghiệm thú vị về thổ cẩm Lào Cai

“Festival Thổ cẩm Lào Cai-Sắc màu văn hóa năm 2024” vừa diễn ra tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, là những bộ áo dài thổ cẩm mang màu sắc văn hoá dân tộc Tày đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

‘Màu của Mế’-Trải nghiệm thú vị về thổ cẩm Lào Cai - Ảnh 1.

Dệt thổ cẩm ở Lào Cai là một trong những nghề truyền thống lâu đời mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc. Ảnh: BTC

Lào Cai được giới thiệu là xứ sở của núi tuyệt đỉnh, của sông đầu nguồn. Vùng đất của những cánh rừng đại ngàn, những triền ruộng bậc thang, những mùa hoa mận, hoa lê trải dài trên sườn núi.

Điểm đến này hấp dẫn du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên, mà còn vì văn hóa truyền thống đặc sắc. Cùng với tiếng nói và chữ viết, “trang phục thổ cẩm” là một thành tố thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người ở vùng đất này.

Mỗi tộc người ở miền đất yêu dấu này có những trang phục khác nhau, luôn rực rỡ sắc màu, phong phú kiểu loại, kết tinh sự khéo léo từ bàn tay và trí tuệ của người phụ nữ vùng cao. Đây chính là nơi gửi gắm ước mơ, nơi dệt nỗi nhớ thương, thêu niềm khát vọng. Mỗi người thợ thủ công là một nghệ nhân tài hoa, dệt nên những tấm thổ cẩm, kể chuyện về văn hóa ngàn đời của dân tộc mình.

Chương trình nghệ thuật du lịch đặc sắc trong “Festival Thổ cẩm Lào Cai – Sắc màu văn hóa”, chủ đề: “Sa Pa – Thổ cẩm miền sương mây” đã kể câu chuyện độc đáo ấy.

“Màu của Mế” – Dệt nỗi nhớ thương, thêu niềm khát vọng

Câu chuyện về Mế xúc động của nhà thiết kế dân tộc Tày Vũ Thảo Giang là dư âm được nhiều người yêu văn hoá và thời trang nhắc đến.

“Màu của Mế” đã sử dụng những tấm vải chàm, những sắc màu Thổ cẩm khắc hoạ sâu trong ký ức của cô gái dân tộc Tày Vũ Thảo Giang. Hình ảnh Mế (mẹ) ngồi dệt vải giữa bồng bềnh sương mây là câu chuyện về sắc màu kết tinh của sự khéo léo, bàn tay, trí tuệ của phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao truyền tiếp qua nhiều thế hệ được xem là biểu tượng thể hiện đời sống văn hóa tinh thần, gắn liền với thuần phong mỹ tục của dân tộc Tày.

‘Màu của Mế’-Trải nghiệm thú vị về thổ cẩm Lào Cai - Ảnh 2.

Màn trình diễn áo dài Thổ cẩm tại Festival Thổ cẩm Lào Cai-Sắc màu văn hóa năm 2024. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vải Chàm và vải Thổ cẩm của người Tày là 2 loại vải đặc trưng. Nếu vải Chàm dùng làm trang phục thường ngày chỉ là màu vải đơn sắc nhuộm từ nước cây chàm thì vải thổ cẩm cũng gắn chặt với cuộc sống hằng ngày và đời sống tâm linh như bộ trang phục, đạo cụ của các ông bà bụt, then; mặt chăn, khăn trải bàn, đệm ngồi, mặt địu, túi đeo… với nhiều màu sắc rực rỡ: đỏ, vàng, xanh lá cây, tím, hồng…

Các màu sắc nhuộm màu thổ cẩm người Tày đều được chiết xuất từ cây lá tự nhiên trên núi rừng, trong vườn nhà như màu: xanh, đen, tím lấy từ chất liệu cây chàm; màu tím có sự kết hợp giữa chàm và củ nâu; màu đỏ từ cây dương xỉ; màu vàng từ củ nghệ… bằng phương pháp nhuộm thủ công với kỹ thuật truyền thống nên màu sắc đẹp và bền, cùng với kỹ thuật pha, cài các sợi màu trên hoa văn hết sức tinh tế làm cho thổ cẩm Tày đạt trình độ thẩm mỹ dân gian cao.

Hoa văn trang trí trên thổ cẩm của người Tày rất phong phú với nhiều loại hoa văn, họa tiết khác nhau như: Hoa hồi 8 cánh, hoa lê, hoa văn quả trám, hoa nhội, hoa lê, hoa mận, hoa đào và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi… Một số muông thú hươu, nai, ngựa, chim, bướm… Ngoài ra còn có chữ “hỷ”, biểu tượng của hạnh phúc, vui vẻ.

Những hoa văn hoạ tiết này được bố cục ở tâm, xung quanh có 4 đường viền, phía ngoài cùng có 8 đường bao quanh (biểu tượng của bốn phương tám hướng).

Các bố cục các hoa văn đăng đối, hoa văn bỏ ô… đều đặn trong mỗi tấm thổ cẩm và phối màu tương đối rành mạch, họa tiết đối xứng, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, vũ trụ, triết lý âm dương, ngũ hành… Những hoa văn bố cục trang trí này lại không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào là sản phẩm văn hóa, là biểu tượng sinh động của kỹ thuật thủ công thể hiện trình độ thẩm mỹ cao, một đời sống tâm hồn phong phú mang nhiều giá trị, ý nghĩa về mặt kinh tế, thế giới quan, triết lý nhân sinh sâu sắc, phong tục tập quán và là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, góp phần to lớn vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày.

‘Màu của Mế’-Trải nghiệm thú vị về thổ cẩm Lào Cai - Ảnh 3.

Những sản phẩm thiết kế theo hướng công nghiệp văn hóa có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hoá các sản phẩm thiết kế thời trang…Ảnh: VGP/Diệu Anh

“Màu của Mế” khéo léo sử dụng hài hoà giữa nhiều chất liệu vải truyền thống như chàm, nhung và những sắc màu rực rỡ mà thổ cẩm sử dụng kết hợp cùng tone màu chủ đạo ấm áp ngọt ngào; với nhiều hình ảnh thổ cẩm xưa không còn xuất hiện nhiều, đã và đang bị mai một do nhiều nguyên nhân khách quan.

Đây là những sản phẩm thiết kế theo hướng công nghiệp văn hóa có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hoá các sản phẩm thiết kế thời trang và các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể) ngành nghề thủ công mỹ nghệ.

Thông qua những sản phẩm này, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang mong muốn quảng bá sắc màu thổ cẩm song hành cùng quảng bá về du lịch gắn liền với văn hoá bản địa, gìn giữ được nét phong tục dệt thổ cẩm truyền thống như một niềm tự hào về nguồn cội truyền thống của dân tộc mình: “Nhà người mẻ cất, mẻ căng/Nhà mình khung dệt kềnh càng dựa phên”…

Ai đã từng qua Sa Pa, Lào Cai, Tây Bắc, sẽ không khỏi say đắm và phải hẹn ngày trở lại. Tiếng khèn gọi bạn, những câu chuyện tình yêu trong phiên chợ tình; tiếng lòng tiếng đất trời được gửi gắm qua những sắc màu thổ cẩm và những câu chuyện kể.

Hình ảnh những người phụ nữ ngồi mải mê bên khung cửi hay say mê thêu những tấm vải thổ cẩm đầy sắc màu, ấn tượng trong tâm trí những lữ khách qua mỗi hành trình du lịch khám phá Sapa Lào Cai.

Festival Thổ cẩm Lào Cai-sắc màu văn hóa được tổ chức vào mùa mây đẹp nhất trong năm tại Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8-10/11) với chuỗi hoạt động: Tổ chức không gian văn hóa, thổ cẩm tỉnh Lào Cai; chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: Sa Pa – thổ cẩm miền sương mây; trưng bày, sắp đặt nghệ thuật giới thiệu văn hóa và thổ cẩm ứng dụng trong đời sống; không gian văn hóa mô phỏng rừng trúc gắn với con đường di sản.

Tin liên quan: