Mì ăn liền, sữa, dầu ăn đồng loạt tăng giá

Trước đà tăng phi mã của giá xăng dầu, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng rục rịch tăng giá bán vì cước vận tải, chi phí sản xuất leo thang liên tục.

Ngày 11/3, giá xăng Việt Nam đã tăng lên mức gần 30.000 đồng/lít, đánh dấu kỳ tăng giá kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay. Mặc dù liên bộ Công Thương – Tài chính đã chi 750-1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng và 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel.

Thực tế hiện nay, chi phí xăng, gas, nguyên vật liệu… đồng loạt tăng sốc đang gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội.

Sức ép tăng giá lớn

Nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm cho biết tình hình nhập nguyên liệu, giá cả hàng hóa đang gặp khó khăn trong khi giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới khiến họ không thể gồng mình giữ giá.

Ông Kajiwara Junichi – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam – cho biết kể từ năm trước, giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đến mức doanh nghiệp dù rất cố gắng cũng không thể bù lại được.

“Trong tình hình đó, doanh nghiệp đã phải tiến hành tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm và áp dụng từ ngày 1/3, với tỷ lệ tăng giá có khác nhau tùy theo sản phẩm”, ông nói với Zing.

Biến động giá các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và gas tăng sốc. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khảo sát tại siêu thị Top Market (Đống Đa, Hà Nội) các sản phẩm của thương hiệu Acecook tăng giá nhẹ so với trước: Mì lẩu thái tôm có giá 173.100 đồng/thùng 30 gói, mì Hảo Hảo 3.600 đồng/gói và 103.800 đồng/thùng 30 gói, phở gà Đệ Nhất 6.400 đồng/gói…

Không chỉ mì ăn liền mà nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng… cũng đồng loạt tăng giá bán.

Từ đầu tháng 3, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott cũng thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Theo đó, sữa Abbott Grow Gold 3+ loại 1,7 kg có giá 726.000 đồng/hộp; Similac Neosure IQ loại 850 gram giá 562.000 đồng/hộp; Similac Alimentum Eye-Q loại 400 gram có giá 375.100 đồng/hộp…

Trước đó, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo giá bán lẻ mới, 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi đều tăng giá trong phạm vi 5%.

Một đầu mối cung cấp dầu ăn tại TP.HCM cho biết giá cũng tăng liên tục do ảnh hưởng thị trường thế giới. Từ ngày 10/3, dầu ăn Meizan Gold, Cái lân, Orchild tăng 2.000 đồng/lít. Từ ngày 14/3, dầu ăn Neptune, Simply cũng đồng loạt tăng giá tương tự là 2.000 đồng/lít.

Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Trần Ngọc Trinh – Giám đốc Công ty TNHH Vnflour – đơn vị sản xuất và cung cấp bột mì cho các thương hiệu Vifon, Thiên Hương Food, C.P Food,… cho biết một số sản phẩm của đơn vị đã phải điều chỉnh tăng 5-10%, thậm chí hơn.

“Từ năm 2021 đến đầu năm nay, giá lúa mì đã tăng gần 100% thậm chí có thời điểm hơn, từ hơn 200 USD/tấn tăng lên 300-400 USD/tấn. Do đó giá bột mì cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất cũng buộc phải thay đổi theo tỷ lệ thuận với giá nguyên liệu đầu vào của đơn vị”, bà phân tích.

“Phải chấp nhận nền kinh tế thị trường”

Không chỉ ngành lương thực, thực phẩm cảm nhận được sức nóng của giá nguyên liệu tăng vọt mà doanh nghiệp dệt may, thép, gỗ… cũng trong tình cảnh lao đao về sự lên giá chóng mặt.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh giá xăng dầu dự báo tiếp tục tăng cao trước xung đột Nga – Ukraine, các doanh nghiệp sản xuất cần nỗ lực tiết kiệm chi phí, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất.

“Đối với các hoạt động vận tải, phải có sự tính toán kết hợp liên chuyến sử dụng được cả hai chiều. Thêm vào đó, cần trao đổi, thảo luận lại với các đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao và đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm”, ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, không thể giữ giá mãi. Điều quan trọng là đưa giá xăng dầu vào chi phí sản xuất kinh doanh một cách hợp lý, tránh tình trạng ‘té nước theo mưa’.

Tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ngày 11/3, TS Trần Quốc Hùng, Giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế IIF ở Washington D.C. cho rằng với việc giá cả tăng trên hầu hết mặt hàng do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế ở châu Âu, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải thách thức về giảm GDP và tăng lạm phát.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam có chính sách và định hướng thức thời, đây sẽ là thời điểm để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế, dù thời gian đầu người dân và doanh nghiệp có thể chịu thiệt vì giá cả hàng hóa tăng.