Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Cựu nữ thanh niên xung phong nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin mất con trai và cháu trai

Cô Nguyễn Thị Xoa (SN 1950) ở Đức Long, Nho Quan, Ninh Bình nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin khi ở chiến trường đã mất con trai và cháu trai bởi căn bệnh này.

Cô Nguyễn Thị Xoa nhập ngũ năm 1971, khi đó cô mới chỉ 18 tuổi. Khi lên đường đi nhập ngũ, cô Xoa với cảm xúc háo hức, phấn khởi. Với mong muốn đóng góp một phần cho các cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc cô đã lên đường với ý chí quyết tâm hết mình. Chiến tranh là điều không ai mong muốn, với phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh”, cô Xoa không quản ngại đường xá xa xôi, hiểm nguy và có thể mất mạng. “Rất vinh dự, tự hào khi được cống hiến cuộc đời cho quân ngũ”, cô Xoa vui vẻ nói.

Empty

Cô Nguyễn Thị Xoa – nữ thanh niên xung phong gan dạ

Gia đình không biết cô Xoa nhập ngũ vì là con út trong nhà nên không muốn cô con gái bé bỏng của mình phải ra chiến trường. Nhưng với tinh thần và ý chí quyết tâm, cô Xoa đã trốn đi khám nghĩa vụ, khi được nhận cô đã rất vui mừng. Bước chân ra khỏi nhà, gia đình cũng mới biết là cô đi bộ đội. Cô chiến đấu tại chiến trường Lào.

Tại chiến trường bom đạn ác liệt cùng với đó là sự thiếu thốn rất nhiều, phụ nữ càng thiệt thòi hơn. Khi bước chân sang đất bạn Lào, dân tộc, tiếng nói, văn hóa,… rất khác so với đất nước Việt Nam. Đầu tiên, khó khăn nhất chính là không chung tiếng nói, bất đồng ngôn ngữ. Dần dần các cô phải học theo các ngôn ngữ và hòa đồng với văn hóa nơi đây để thuận tiện trong công việc.

Cùng nhập ngũ với cô Xoa là 25 nữ bộ đội Trường Sơn ở tỉnh Ninh Bình, mỗi người 1 công việc như: Nấu ăn trên bệnh xá, làm y tá, y tá theo các thương binh, mở đường Trường Sơn. Công việc của cô Xoa là chuyên mở đường Trường Sơn (Việt Nam – Lào). Khi mới vào, cô làm ở mỏ đá, mặc dù người rất nhỏ nhắn nhưng cô có thể quai búa lên đến 1 tạ.

Công việc rất vất vả, ra đường là bom rơi, đạn nổ, khi làm đường thì nhiều trường hợp bị thương thậm chí là tử vong do bom bi. Đơn vị của cô Xoa có rất nhiều người đã hy sinh và bị thương trong quá trình làm việc. Cô Xoa cũng không phải là ngoại lệ. Là một người chuyên của đơn vị thực hiện công việc cắt dây cháy chậm, cô nhỏ nhắn và nhanh nhẹn nên được giao cho nhiệm vụ quan trọng này. Một tiểu đội trưởng gương mẫu, cô Xoa đã thực hiện thành thục các bước cắt dây cháy chậm để cho đồng đội vào đánh, mỗi 1 lần vào đánh là 3 đồng chí, trước khi đi đánh, cô Xoa phải đi kiểm tra một lần rồi mới cho đơn vị đi đánh. Khi đi đánh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những đồng chí đánh được vài quả, cũng có đồng chí chỉ đánh được 1 quả rồi chạy vì quá nhát. Lần sau phải loại đồng chí đó để thay thế bằng những đồng chí gan dạ hơn.

Làm đường rất khó khăn về mọi mặt, như làm đường toa ly, chống ngầm, đường cong, mui rùa, làm séc cho nước chảy, chảy theo chiều nào cho ráo đường, xe đi. Mặc dù những công việc đó vô cùng mệt nhọc nhưng mỗi cô gái bộ đội đều cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Công việc của ai cũng vất vả, cũng nhiều khó khăn nhưng đối với họ dù chỉ cống hiến một sức nhỏ thôi cũng khiến cho công việc được thêm thuận lợi. Thực hiện các công việc không tránh khỏi gặp hiểm nguy, cô Xoa cũng bị thương ở đùi trái, tay phải, mắt trong 1 lần làm nhiệm vụ.

Có những lần lội suối, ngập đến rốn, toàn lá lim, công việc chặt ống mương, chẻ ra làm lỗ, đắp lại để lọc nước ăn. Cuộc sống nơi chiến trường vừa khắc nghiệt bởi bom đạn, vừa thiếu thốn nhu yếu phẩm, cơ sở vật chất, nước ăn nước uống,… nhưng không vì những điều này làm nản lòng ý chí chiến đấu của các nữ bộ đội anh dũng.

Năm 1974, các cô chuyển sang chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, thực hiện các công việc ở đây cho đến khi kết thúc chiến tranh. Kết thúc chiến tranh năm 1975, nhưng đến năm 1976 các cô mới ra quân, trở về quê hương lập gia đình, lập nghiệp, sinh con.

Empty

Mang trong mình chất độc màu da cam/Dioxin nhưng cô vẫn lạc quan

Khi trở về, các cô được lương chất độc hóa học, lương thương binh. Các cô được nhà nước cho đi học thương nghiệp, chồng cô cũng là bộ đội chiến đấu tại chiến trường Lào và Tây Nguyên trở về làm việc tại công ty xây dựng. Cô Xoa có 4 người con, trong đó có 3 con trai và 1 con gái. Con trai út của cô bị u não và đã mất sớm. Ngoài ra, cháu trai con của anh cả cũng mất do bệnh u não. Cả hai vợ chồng cô đều là bộ đội, đều chiến đấu tại các chiến trường ác liệt và không tránh khỏi nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin.

Khi còn trẻ phải làm nhiều việc, thực hiện các nhiệm vụ ở chiến trường ác liệt, đến khi về già, cô mang trong mình những căn bệnh do chất độc màu da cam/Dioxin ảnh hưởng đến cơ thể như 4 đốt sống lưng nhân tạo, hai khớp chân, hai khớp tay rất đau, bệnh dạ dày, huyết áp cao,…

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng đến hôm nay chất độc da cam/Dioxin do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam vẫn gây ra những căn bệnh quái ác cho những người bị phơi nhiễm và con, cháu họ. Mặc dù mang trong mình nhiều bệnh như thế nhưng 26 nữ bộ đội Trường Sơn lại có những sự đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Họ luôn có nụ cười nở trên môi, luôn miệng ca hát khi gặp gỡ nhau.

Với chế độ thăm khám bảo hiểm cho các thương binh, bệnh binh, vợ chồng cô được hưởng hoàn toàn miễn phí. Hàng năm, Làng Hữu Nghị Việt Nam đón các đoàn thương binh, bệnh binh đến điều trị tại đây, dịp này, Làng Hữu nghị Việt Nam đón 26 nữ bộ đội Trường Sơn tại tỉnh Ninh Bình. Các bác đi bộ đội khi ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất, đến nay, khi đất nước hòa bình, sức khỏe của các bác cũng yếu đi nhiều, đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Dioxin khi ở trên chiến trường.

“Ở đây khi được chăm sóc sức khỏe, chúng tôi rất mừng, đội ngũ nấu ăn rất tốt, các cán bộ y tế ở đây rất nhiệt tình, chăm lo, ân cần, chu đáo, quan tâm đến sức khỏe của chúng tôi”, cô Xoa chia sẻ. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cô Xoa cũng dành lời chúc đến các chị em phụ nữ luôn khỏe mạnh, khí thế luôn luôn là “lính”, xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển.

Thống kê cho thấy, chất độc da cam đã khiến cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới chỉ rõ chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận của cơ thể, như ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh… Chất độc này còn làm đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở thế hệ con, cháu nạn nhân chất độc da cam có thể kể đến như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, dị dạng, dị tật bẩm sinh… Nỗi đau đó không thể nói thành lời.

Tin liên quan: