Những bối rối của tuyển Việt Nam

Vấn đề không nằm ở chỗ tuyển Việt Nam phải gặp Thái Lan. Vấn đề là chúng ta đã không hoàn thành mục tiêu đề ra trước các đối thủ dưới cơ.

Gương mặt thất thần của Tiến Linh và đồng đội khi tiếng còi kết thúc trận Campuchia vang lên cho thấy tuyển Việt Nam hoàn toàn không hài lòng với tỷ số 4-0 trước đối thủ. Đó đã là lần thứ hai liên tiếp, tuyển Việt Nam không thể đạt được mục tiêu đề ra trước đối thủ dưới cơ.

Chúng ta bất lực trước Indonesia mà ta từng hủy diệt chỉ trước đó vài tháng. Ta không ghi đủ số bàn trước Campuchia vì hơn 30 phút im lặng cuối trận. Hai kết quả không ưng ý liên tiếp khiến tuyển Việt Nam chỉ kết thúc vòng bảng với vị trí thứ hai, đồng nghĩa với việc gặp Thái Lan ở bán kết.

Gương mặt thất thần của các tuyển thủ sau trận Việt Nam thắng Campuchia 4-0 nhưng chẳng thể giành ngôi đầu bảng. Ảnh từ màn hình

Bối rối với phong cách mới

Khác với AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam đến với giải đấu năm nay bằng tư cách đương kim vô địch. Chúng ta không còn là một ẩn số như 3 năm trước, không còn có thể chơi phòng ngự rình rập như trong quá khứ. Vơi tư cách ứng viên, chính đối thủ mới là đội phải phòng ngự khi gặp chúng ta. Khác biệt về vị thế buộc HLV Park Hang-seo phải chuẩn bị hai lựa chọn chiến thuật khác nhau cho tuyển Việt Nam: phòng ngự phản công như sở trường và lựa chọn mới tấn công, kiểm soát.

Sau 4 trận vòng bảng, tuyển Việt Nam chỉ một lần có kết quả ưng ý với lối đá tấn công trước Malaysia.

Hai trận trước Indonesia và Campuchia, tuyển Việt Nam đều không đạt mục tiêu đề ra. Nó cho thấy tuyển Việt Nam đã có những bối rối trước lựa chọn chiến thuật mới không đúng sở trường. Xuyên suốt 4 năm dưới triều đại Park Hang-seo, cả ở tuyển Việt Nam và U23, các đội bóng của ông Park chỉ thực sự chơi tốt khi được đá phòng ngự phản công. Đó không chỉ là lựa chọn mà còn trở thành bản sắc, thói quen của từng tuyển thủ.

Trước AFF Cup 2020, chúng ta chơi 6 trận vòng loại thứ ba World Cup bằng phong cách đó. Tuyển Việt Nam được tổ chức, mọi thứ được vận hành đều phục vụ phong cách đó. Đấy là lý do chúng ta tỏ ra bối rối khi phải thay đổi lối chơi ở một đấu trường khác, trước các đối thủ có trình độ thấp hơn hẳn. Sự bối rối ấy đã làm lộ ra không ít hạn chế.

9 bàn của tuyển Việt Nam ở vòng bảng đều được ghi bởi nhóm đá chính. 8 trong số đó được thực hiện trong 60 phút đầu. Nghĩa là hàng công tuyển Việt Nam gần như bất lực trong 1/3 thời gian cuối trận. Nghĩa là 20 quyền thay người thực hiện sau 4 trận không gần như không mang tới khác biệt.

Những cầu thủ dự bị chưa ghi một bàn nào cho tuyển Việt Nam từ đầu giải. Ảnh: Getty

Sự bế tắc ấy được thể hiện rõ ràng trong 30 phút cuối trước Campuchia khi ông Park tung vào sân 3 tiền đạo nhưng đội bóng không có thêm nổi một bàn thắng.

Nếu tấn công và phòng ngự là hai khía cạnh để dẫn tới chiến thắng, tuyển Việt Nam đang chỉ làm tốt một nửa. Trong nhóm 4 đội vào bán kết, tuyển Việt Nam là cái tên duy nhất chưa thủng lưới. Nhưng hàng công của chúng ta thì kém cả Thái Lan và Indonesia (9 so với 10 và 13).

So với các đối thủ, tuyển Việt Nam không thiếu những cầu thủ tấn công chất lượng. Quang Hải đang là đương kim cầu thủ hay nhất giải, Hoàng Đức vẫn đẳng cấp, còn Công Phượng, Tiến Linh đều đã lấy lại phong độ. Với bộ tứ này, tuyển Việt Nam lẽ ra phải đè bẹp các đối thủ tại AFF Cup. Nhưng những bối rối trong việc triển khai một lối chơi có phần “trái tay” khiến các cầu thủ không thể hiện được hết năng lực.

Cách các hậu vệ biên ngập ngừng trong mỗi tình huống dâng lên, cách ban huấn luyện lưỡng lự trong việc đẩy cao đội hình cho thấy sự bối rối đồng độ từ ghế HLV tới các cầu thủ. Điều đó khiến tuyển Việt Nam không thể có được quyết định phù hợp, không dồn được mọi nguồn lực trong những thời điểm then chốt.

Trước Indonesia hay Campuchia, chúng ta đều chỉ thiếu một bàn. Khoảng cách rất gần mà lại rất xa ấy đôi khi sẽ quyết định thành bại của cả giải đấu.

Điểm mạnh nhất của Thái Lan nằm ở chất lượng đội hình vượt trội và đồng đều so với AFF Cup. Ảnh: Reuters.
Sự đa dạng từ các đối thủ

Khi tuyển Việt Nam vẫn bối rối trong việc định hình một phong cách phù hợp cho AFF Cup thì Thái Lan và Indonesia đều cho thấy họ đã sẵn sàng.

Triết lý từng khiến Alexandre Polking thảm bại ở V.League đang giúp ông thành công rực rỡ cùng tuyển Thái. Đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử giải đấu mang tới cảm giác họ chơi kiểu gì cũng đè bẹp đối thủ. Trước Singapore, đội dự bị của Thái Lan cũng dễ dàng có chiến thắng. Sức mạnh của Thái Lan nằm ở chất lượng đội hình vượt trội, không có chênh lệch nhiều giữa các nhóm cầu thủ.

4 trận tại vòng bảng cho thấy Thái Lan có lý khi chọn Polking. Chất lượng con người khiến Thái Lan không cần những HLV đẳng cấp. Cái họ cần là một ông thầy gần gũi, am hiểu học trò, một người có cùng triết lý và sẵn sàng để những ngôi sao tuyển Thái chơi theo cái cách mà họ muốn.

Ngược lại với Thái Lan, Indonesia không mạnh về nhân sự. Nhưng băng ghế huấn luyện của họ đang có một bộ óc tầm cỡ World Cup. Đem tới giải một đội hình U22+, Indonesia đã gạt phăng mọi hoài nghi khi vòng bảng kết thúc. Không phải Việt Nam hay Thái Lan, chính họ mới là đội bóng có lối chơi đa dạng, biến hóa nhất AFF Cup.

Khi cần phòng ngự, bức tường của Indonesia khiến hàng công Việt Nam bất lực. Khi cần tấn công, họ đè bẹp Malaysia theo cách không một ai có thể tưởng tượng nổi. Indonesia kết thúc vòng bảng với ngôi đầu, hàng công mạnh nhất giải, tránh được đối thủ sừng sỏ Thái Lan. Họ hoàn thành mọi mục tiêu mình đề ra, đẩy các đối thủ lớn chạm mặt nhau. Giờ thì ai còn dám coi thường Indonesia?

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tuyển Việt Nam thiếu những điểm tựa nào ở bán kết. Đội hình của ông Park cũng đồng đều, còn nguyên vẹn dù thua kém Thái Lan. Việt Nam cũng có những bộ não xuất chúng trên băng ghế huấn luyện. Vấn đề của đội bóng nằm ở tâm lý tiếp cận, lựa chọn dứt khoát về chiến thuật trong từng trận đấu.

AFF Cup tưởng chừng đơn giản đang cho tuyển Việt Nam cơ hội nhìn thấy những hạn chế của chính mình. Chúng ta chưa phải một đội bóng hoàn hảo và vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Nhưng mọi thứ có thể dễ dàng hơn ngay từ vòng knock-out này. Trước Thái Lan rất mạnh, tuyển Việt Nam đang có cơ hội quay lại với lựa chọn phòng ngự phản công sở trường. Những bối rối có thể dừng lại nơi đây.

Tuyển Việt Nam đã bất bại trước Thái Lan trong 2 trận đối đầu gần nhất khi đối thủ có cả Chanathip và Bunmathan. Chẳng điều gì ngăn chúng ta tiếp tục tái hiện điều đó.