Phim Việt thua thiệt trên sân nhà, vì đâu?

Mặc dù doanh thu không phải là thước đo duy nhất để đánh giá chất lượng một bộ phim, nhưng rõ ràng việc nhiều phim Việt đỏ mắt tìm khán giả trên "sân nhà" dù nhận phản hồi tích cực là câu chuyện đáng báo động.

Các chuyên gia cho rằng khán giả chỉ ra rạp ủng hộ phim sử Việt khi tác phẩm đó thực sự chất lượng

Phim Việt lẹt đẹt phòng vé

Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết nguyên đán Tết cổ truyền của dân tộc. Nhìn lại gần một năm đi qua, nhiều khán giả cho rằng, đây là năm thất thu của điện ảnh Việt. Bởi trong khi hàng loạt phim ngoại thắng lớn, liên tục tạo ra những kỉ lục phòng vé, được cộng đồng mạng rầm rộ chia sẻ như: Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon 2021, Minions 2, Bỗng dưng trúng số… thì hàng loạt phim Việt lại thất thế ngay trên sân nhà.

Việc hàng loạt bộ phim Việt thua đậm: “Duyên ma”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, “Kẻ thứ ba”, “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác”, “Người tình”,… Gần đây nhất là “Huyền sử vua Đinh” 5 ngày chỉ thu về 45 triệu khiến nhiều người đặt câu hỏi: Hàng loạt phim Việt thua đau trên sân nhà, vì đâu?

Cần phải nói rõ doanh thu phòng vé không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá chất lượng của một bộ phim bởi có những bộ phim doanh thu thấp một cách khó hiểu như “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác” – vốn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả bởi nội dung, sự đầu tư chỉn chu nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc hàng loạt phim Việt thất thế ngay trên sân nhà năm qua là câu chuyện cần bàn. Trong đó phải thắng thắn rằng, nhiều phim chất lượng kém, gây tranh cãi vì sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh, diễn xuất, lời thoại, bối cảnh…

Trao đổi cùng phóng viên, anh Trần Xuân Phúc (Công ty Mnet Media), người đã có nhiều năm gắn bó với mảng điện ảnh, khẳng định không chỉ Việt Nam, năm 2022 là năm thất bại của gần như mọi nền điện ảnh trên thế giới.

“Chúng ta đang hồi phục chậm chạp sau đại dịch, thói quen và gu thưởng thức phim ảnh của khán giả cũng thay đổi, họ đòi hỏi chất lượng các tác phẩm phải cao hơn trước đó rất nhiều. Không chỉ vậy, lượng phim tồn kho được sản xuất từ khoảng 1 đến 5 năm về trước liên tục được dội ra rạp để giải ngân dẫn đến sự bội thực cho người xem vì chất lượng hoặc nội dung không còn hợp thời, cùng với đó là tâm lý định kiến phim Việt của đại bộ phận khán giả”, anh Phúc chia sẻ quan điểm.

Bên cạnh đó, anh cho rằng sự mất cân bằng giữa các thể loại cũng là nguyên nhân dẫn đến thị trường điện ảnh suy thoái. Trung bình 1 tuần có 1 đến 3 phim kinh dị từ Âu sang Á ra rạp. Từ thực tế, anh nhận thấy khi khán giả thiếu thể loại nào thì chỉ cần một tác phẩm được làm chỉn chu dù không quá xuất sắc nhưng vẫn đại thắng doanh thu, “Bỗng dưng trúng số” đến từ Hàn Quốc chính là một ví dụ. Đó là một bộ phim chất lượng khá tốt nhưng không mấy nổi bật tại quê nhà Hàn Quốc song lại bất ngờ trở thành cơn sốt doanh thu tại Việt Nam.

Hàng loạt phim Việt thua đau trên sân nhà, vì đâu? - Ảnh 2.

Đạo diễn Trần Thanh Huy và chuyên gia truyền thông Trần Xuân Phúc

Tư duy ăn xổi

Nói về câu chuyện trên, đạo diễn Trần Thanh Huy – cha đẻ “Ròm” – phim Việt đầu tiên đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan – một trong những liên hoan phim lớn của châu Á, cho rằng một vấn đề nan giải hiện nay là tư duy ăn xổi của nhà đầu tư.

Nhiều người nghĩ rằng đầu tư ít tiền thì khả năng hòa vốn nhiều hơn, nhanh hơn trong khi từ quan sát và trải nghiệm cá nhân anh nhận ra thế giới tư duy ngược lại. Đó là phải đầu tư phim chất lượng để phục vụ khán giả, cơ hội hoà vốn sẽ cao hơn, đi đường dài hơn. Chất lượng phim là yếu tố quan trọng đầu tiên kéo khán giả ra rạp và mở rộng thị trường ra thế giới. Rất hiếm phim kinh phí thấp, thời gian ngắn, thiếu đầu tư mà đi được đường xa.

Anh khẳng định tiền chỉ là yếu tố cần chứ không phải đủ, yếu tố đủ phụ thuộc vào năng lực của nhà làm phim và những vấn đề khác nữa. “Nếu đã đáp ứng hết các yêu cầu chuyên môn, nội dung, yêu cầu kiểm duyệt… mà không có tiền thì chúng ta làm được gì? Giống như đạo diễn Trần Anh Hùng đã nói, một bộ phim thành công phải có ba chân. Chân đầu tiên là năng lực, hai là tiền, ba là thời gian. Nếu năng lực có, tiền ít thì thời gian phải nhiều. Tối thiểu phải có hai chân. Một bộ phim chất lượng thường nhà làm phim phải làm rất lâu, họ cần có thời gian chuẩn bị…”, đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ quan điểm.

Trong khi đó, năm 2022 là năm khởi động lại của điện ảnh Việt, nhiều bộ phim còn tồn lại trong mùa dịch, khó khăn kinh tế khiến nhà làm phim chật vật khi xin nguồn vốn để đầu tư điện ảnh.

Tuy nhiên, anh nhấn mạnh một năm khó khăn là vậy nhưng điện ảnh Việt vẫn gặt hái nhiều thành tích như: “Bẫy ngọt ngào”, “Đêm tối rực rỡ”, “Dân chơi không sợ con rơi”, gần đây nhất là “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải cao nhất Montgolfière d’Or tại Liên hoan phim Ba châu lục (Pháp)… Đạo diễn Trần Thanh Huy đặt nhiều kì vọng vào loạt phim sắp tới sẽ ra mắt: “Thanh Sói”,  “Nhà bà Nữ”, “Đất rừng phương Nam”…

“Điểm sáng điện ảnh Việt Nam năm 2022 chính là sự rực sáng của những sản phẩm có chất lượng tốt vẫn có chỗ đứng riêng. Những bộ phim được đầu tư kinh phí cao, dù có gây tranh cãi nhưng vẫn đoạt doanh thu khá tốt và hoà vốn như “Em và Trịnh”, “Cô gái từ quá khứ”, “Bẫy ngọt ngào”… hay những phim độc lập như “Đêm tối rực rỡ” có được mức hoà vốn và lợi nhuận ít tạo tiền đề cho nhà sản xuất non trẻ dám làm những bộ phim táo bạo hơn, hay sự thành công của “Tro tàn rực rỡ” rực sáng tại các liên hoan phim hàng đầu thế giới cũng khiến cho bức tranh điện ảnh Việt 2022 bớt đi phần ảm đạm”, anh Trần Xuân Phúc nêu quan điểm.

Tin liên quan: