Với số lượng bán ra tính bằng đơn vị hàng triệu sản phẩm, chỉ cần lợi nhuận trên giá bán sỉ 0,5 USD/sản phẩm ở giai đoạn này đã quá thành công.
Với dòng vốn dồi dào và lợi thế vượt qua đỉnh dịch trước Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm lĩnh thị phần Kit test nhanh virút SARS-CoV-2 (Covid) ngay tại thị trường Việt Nam.
Ai đang là “trùm” kit test?
Đầu tháng12/2021, PV Báo Giao thông liên hệ một nhà cung ứng sản phẩm kit test nhanh virút SARS-CoV-2 để hỏi mua với số lượng lớn. Nhà cung cấp này hứa hẹn lên đến 2 triệu sản phẩm/tháng, hàng giao nguyên container (FCL).
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua bộ kit test nhanh kháng nguyên do Việt Nam sản xuất, người này nói: “Không đơn vị sản xuất nào trong nước đủ sức cung ứng theo số lượng đó với giá tốt cả. Hiện nay không có nhà sản xuất kit test nhanh Covid nào trong nước có thể cạnh tranh giá với các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc”.
Theo nhà cung ứng này, giá vốn nhập khẩu chưa có thuế VAT cho 1 bộ Kit test nhanh Covid – 19 dao động từ 1,6-2,5 USD.
Với số lượng bán ra tính bằng đơn vị hàng triệu sản phẩm thì chỉ cần lợi nhuận trên giá bán sỉ 0,5 USD/sản phẩm trong giai đoạn này đã gọi là quá thành công. Nguyên nhân là trên thị trường hiện có nhiều loại kit test khác đã được cấp phép lưu hành với hàng chục sản phẩm khác nhau.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước công khai giá tại Cổng thông tin của Bộ Y tế vẫn hứa hẹn năng lực có thể cung ứng lên đến vài triệu test/tháng với mức giá cao ngất ngưởng so với giá kit test nhập khẩu.
Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á niêm yết giá 470.000 đồng/sản phẩm, Công ty cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá 385.000 đồng/sản phẩm. “Tệp khách hàng” mà các đơn vị này hướng đến là các đơn vị y tế công, thường phải thông qua đấu thầu.
Ở một hướng đi khác hẳn, các doanh nghiệp không đưa thông tin lên cổng công khai giá của Bộ Y tế lại cho thấy là những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn và mức giá được thị trường chấp nhận.
Nói một cách khác, chính nhóm doanh nghiệp này dù không tham gia các cuộc đấu thầu rùm beng nhưng lại “thực chiến” ở khắp các kênh thương mại, từ nhà thuốc truyền thống, hệ thống chuỗi dược phẩm cho đến các sàn thương mại điện tử.
Trong số 16 sản phẩm kit test nhanh kháng nguyên Covid-19 mà Bộ Y tế đã cấp phép, có đến 10 sản phẩm đến từ Hàn Quốc. Trong nhóm sản phẩm Hàn Quốc này, Humasis và Sugentech gần như bao phủ thị trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả hai sản phẩm này đã nhập vào Việt Nam khoảng 40 triệu kit test nhanh Covid-19, tương ứng với giá vốn khoảng 2.500 tỷ đồng nếu tính theo mức bình quân 2,7 USD/kit test nhanh.
Ước tính theo giá trị thương mại, số lượng sản phẩm này tương ứng với 4.000 tỷ đồng và đà tăng trưởng vẫn đang tiếp tục trước thông tin biến chủng Omicron xuất hiện.
Lộ diện dòng tiền khủng
Báo cáo tài chính của Humasis Hàn Quốc cho thấy, họ đã thành lập công ty con Humasis Vina tại Việt Nam vào tháng 2/2020, công ty này không có doanh số bán hàng cho đến nửa đầu năm 2021.
Bước vào tháng 7/2021, Humasis ghi nhận 62 tỷ Won doanh thu từ công ty Humasis Vina và lợi nhuận ròng là 8 tỷ Won, tương đương khoảng 73 tỷ đồng.
Số liệu từ hệ thống công bố điện tử của Giám sát Tài chính Hàn Quốc, doanh thu hợp nhất của Humasis trong quý 3 là 101,4 tỷ Won, tăng 2515% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng gần 4 lần so với quý 2 và gấp đôi doanh thu của cả năm trước đó. Điều này khẳng định rằng, Việt Nam là thị trường mục tiêu của Humasis Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng nào về cơ chế tài chính của Humasis Hàn Quốc khi bơm tiền vào Humasis Vina tại Việt Nam.
Trước đó, Humasis Hàn Quốc công bố đã rót 23 tỷ Won cho Humasis Vina và con số này sẽ tăng lên 45 tỷ Won vào tháng 8/2021, tương ứng với hơn 1.500 tỷ đồng.
Cho đến nay, chưa một doanh nghiệp Việt Nam nào bước vào thị trường kit test nhanh Covid-19 với lượng sản phẩm “hùng hậu” như Humasis.
Ngoài Humasis, một ông lớn khác trong là Sugentech Hàn Quốc cũng đã tham gia thị trường Việt Nam bằng cách công bố hợp đồng cung cấp bộ kit chẩn đoán nhanh kháng nguyên Covid-19 trị giá 13 tỷ Won cho Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Medaz Việt Nam với bộ sản phẩm Standard Q Covid-19 Ag.
Tuy nhiên, khác với cách vận hành của Humasis khi thông qua công ty con do nhân sự Hàn Quốc điều hành, Medaz Việt Nam là công ty thuần Việt 100% và có thâm niên hoạt động 7 năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo chi cục Hải quan tại TPHCM cho biết, hiện cơ chế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán in vitro (kit test covid) đã thông thoáng.
Cụ thể, ngày 6/4/2020, Bộ Y tế đã chuyển công văn cho Hải quan các cửa khẩu thông báo doanh nghiệp trong nước không phải xin giấy phép nhập khẩu sinh phẩm (giấy phép con) trừ các nguyên liệu chứa chất ma túy và tiền chất.
Vị này cũng cho biết thêm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán Covid không chỉ có Việt Á nhập khẩu, mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác đã nhập với số lượng lớn hơn rất nhiều lần.
Như vậy, cuộc chạy đua trên thị trường kit test đã phân hóa thành 2 bức tranh rõ rệt. Một bên nhập nguyên liệu, sản xuất trong nước, bán ra trong nước. Một bên nhập sản phẩm từ nước ngoài và phân phối tại Việt Nam, cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa.
Vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra là, khi nhập khẩu ồ ạt hàng chục triệu kit test, Bộ Công thương đã cân nhắc đến kịch bản tự vệ cho ngành sản xuất cùng lĩnh vực trong nước hay chưa?
Tin liên quan: