Thời gian qua, ngành Y tế Thanh Hóa đã tích cực đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng phát triển chính quyền số, xã hội số vào hoạt động quản lý, khám chữa bệnh, nhờ đó đã có những thay đổi tích cực trong hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn
Là một trong số 45 bệnh viện trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, xây dựng bệnh viện đạt các tiêu chí bệnh viện hạng đặc biệt, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quản lý tốt hồ sơ sức khỏe người dân, như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đẩy mạnh triển khai phần mềm quản lý bệnh viện với mục tiêu giúp cho công tác quản lý bệnh viện chuẩn hóa phương thức, quản lý dữ liệu chi phí khám chữa bệnh kịp thời và chính xác, nhất là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Tăng tốc độ xử lý thông tin; Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và từng bước số hóa các mẫu sổ sách, hồ sơ bệnh án điện tử, LIS, PACS, sử dụng chữ ký số trong hoạt động khám chữa bệnh…
Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh một cách toàn diện, phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế vào năm 2024, bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu bệnh viện không giấy tờ, cũng như quản lý tốt hồ sơ sức khỏe người dân. Đặc biệt, quá trình thực hiện mô hình điểm cấp tỉnh khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VneID, tại tất cả các khoa, phòng, trung tâm trong bệnh viện đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử; chữ ký số cũng được áp dụng và triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử… Cùng với đó, công tác triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được bệnh viện thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến khám chữa bệnh”.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu và quan trọng, cần thiết phải thực hiện trong quá trình phát triển, đơn vị đã chủ động thực hiện ngay từ sớm các yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi số và từng bước nâng cao các yêu cầu.
BSCKII Lê Văn Tráng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, cho biết: “Hiện hầu hết các hoạt động của bệnh viện được thực hiện trên máy tính. Qua đó, giảm đáng kể các thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, giúp bệnh viện được thụ hưởng nhiều tiện ích. Chúng tôi xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện đến đâu chắc đến đấy. Trong đó, đòi hỏi sự chuẩn bị về nguồn kinh phí, sự thay đổi trong tư duy và quyết tâm thực hiện của đội ngũ nhân lực. Bệnh viện phấn đấu hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới loại bỏ bệnh án giấy, thực hiện bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện thông minh”.
Ngoài các bệnh viện tuyến trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều bệnh viện tuyến dưới như Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa, Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Xương,… cũng định hướng chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các bệnh viện đã áp dụng triệt để việc chuyển đổi số trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
BSCKII Lê Tiến Toàn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa, nhận định: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu và quan trọng, cần thiết phải thực hiện trong quá trình phát triển bệnh viện. Với những thuận lợi khi được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, trang thiết bị, phần mềm liên kết với bệnh viện tuyến trên,… Thời gian tới, bệnh viện sẽ dành nguồn kinh phí đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động nghiệp vụ y tế. Mục tiêu là tạo mọi điều kiện để bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại một cách nhanh nhất, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng và yêu cầu ngày càng cao của người dân”.
Ngành Y tế Thanh Hóa hướng đến y tế thông minh
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn, Quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và việc triển khai Đề án 06, ngành Y tế Thanh Hóa đã tích cực tham gia, chỉ đạo hệ thống y tế triển khai các hoạt động chuyển đổi số y tế trong chăm sóc sức khỏe người dân, phòng chống dịch bệnh với mục tiêu lấy con người là trung tâm trong môi trường số.
Đến nay, việc chuyển đổi số ngành Y tế Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả tích cực về chuyển đổi nhận thức, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số và an toàn, an ninh mạng, như: 100% bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 100% đơn vị y tế công lập triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% cơ sở y tế công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn an ninh mạng; 677/677 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký hợp đồng bảo hiểm y tế đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế với lượt tra cứu thành công đạt tỷ lệ 65,1%…
Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thành công bệnh án điện tử, được Cục Công nghệ thông tin, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế công nhận vào ngày 25/7/2022. Đây là một trong số 45 bệnh viện trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, hiện đại hóa ngành y tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngoài những kết quả đã đạt được, ngành Y tế Thanh Hóa cũng gặp phải một số khó khăn, bất cập. Đơn cử, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị trực thuộc và các cơ sở khám chữa bệnh còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do thói quen, trình độ ứng dụng công nghệ của người dân nhất là khu vực miền núi, người cao tuổi còn thấp nên việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế.
Cùng với đó, cơ sở vật chất tại một số cơ sở y tế, đặc biệt là hệ thống các trạm y tế xã vẫn còn hạn chế so với yêu cầu công việc, máy tính, trang thiết bị một số nơi còn chưa được trang bị đủ hoặc quá cũ và lạc hậu…
Thời gian tới, ngành Y tế Thanh Hóa sẽ tập trung khắc phục những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, tiếp tục triển khai ứng dụng các dịch vụ, giải pháp số trong lĩnh vực y tế; tiếp tục nâng cấp hạ tầng số hóa, mua sắm trang thiết bị cần thiết; tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, y, bác sĩ… Đảm bảo thông qua chuyển đổi số y tế giúp nâng cao trải nghiệm khám chữa bệnh, cắt giảm bớt chi phí phát sinh cũng như thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Tin liên quan: