Thủ tướng: ‘Chúng ta có cơ sở để tự tin trong công tác phòng chống dịch’

Việt Nam có cơ sở tự tin tiếp tục mở cửa trở lại an toàn các hoạt động kinh tế - xã hội, tuy nhiên tuyệt đối không lơ là phòng chống dịch trong dịp Tết.

Sáng 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đây là cuộc họp nhằm rà soát, đánh giá công tác phòng, chống dịch và những vấn đề nổi lên cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời; định hướng những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Mục tiêu được Thủ tướng nêu ra là vừa phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa tổ chức cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh…

Ông tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân năm 2022, với mục tiêu đến hết tháng 1 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi; trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các nhóm chống chỉ định; tiếp tục nghiên cứu để triển khai các thủ tục và tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân năm 2022 đã được phát động. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân năm 2022 đã được phát động. Ảnh: Nhật Bắc

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, biến chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, nên “chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong dịp Tết”. Đồng thời, theo Thủ tướng, với tỷ lệ người dân đã được tiêm vaccine và những kinh nghiệm cũng như các phương châm, công thức đã được đúc kết, “chúng ta có cơ sở để tự tin trong công tác phòng chống dịch”.

Gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả. Các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã nhấn mạnh phải ưu tiên số một cho nhiệm vụ phòng chống dịch, khi thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả thì mới yên tâm mở cửa trở lại tổng thể nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron; trong đó 6 trường hợp phát hiện trong nước tại TP HCM (5) và Hà Nội (1), 160 ca nhập cảnh từ 22 quốc gia trên 49 chuyến bay và qua một cửa khẩu đường bộ (Mộc Bài – Tây Ninh). Các hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi, quản lý ngay khi nhập cảnh, sức khỏe ổn định.

So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 4,1%; số tử vong giảm 13,8%; số đang điều trị tại bệnh viện giảm 7,3%; số ca nặng, nguy kịch giảm 13,9%.

So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 21,2%; số ca tử vong giảm 7,5%; số ca khỏi bệnh tăng 6,2%; số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 3,4%; số ca nặng, nguy kịch giảm 11,6%.

Số ca tử vong/100.000 dân của tháng 1/2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước).

Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể là những biến thể mới. Trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).

Bộ Y tế sẽ thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin về biến chủng Omicron, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Minh Anh