Thống kê đến 19h ngày 31/7, đã có 48 nhà dân trên địa bàn các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn (Tuyên Quang) bị hư hỏng; Trên 470 ha lúa, cây màu, cây ăn quả bị ngập úng. Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương ứng phó, khắc phục thiệt hại.
Theo đó, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ và thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh có hiệu quả; Khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tổ chức di dời ngay đối với những hộ dân đang sinh sống tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Đặc biệt là các hộ gia đình đang sinh sống ở khu vực có taluy dương cao gần nhà ở, khu vực ven sông, ven suối….
Lực lượng chức năng chốt chặn tại điểm ngập úng xã Tân Long (Yên Sơn) không cho phương tiện đi qua khi lũ lên cao (Ảnh: Báo Tuyên Quang)
Đồng thời thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ và 3 sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính và đảm bảo an toàn đối với các khu khai thác khoáng sản, công trình đang thi công, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Đảm bảo an toàn đê, kè nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng thường trực 24/24h để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.
Tin liên quan: