Anh triển khai vắc xin phòng bệnh lậu đầu tiên trên thế giới

Vắc xin 4CMenB được đánh giá là 'bước tiến lớn trong chăm sóc sức khỏe tình dục', hứa hẹn hỗ trợ giảm mạnh số ca mắc bệnh lậu.

Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh lậu – một bước đi được đánh giá là “cột mốc quan trọng” trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe tình dục cộng đồng giữa bối cảnh các ca mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) tăng cao và xuất hiện nhiều chủng kháng kháng sinh.

4264

(Ảnh minh họa)

Thông báo từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết, từ ngày 1/8, vắc xin 4CMenB – loại vắc xin vốn được sử dụng để phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn Neisseria meningitidis sẽ được tiêm phòng lậu cho các đối tượng đủ điều kiện thông qua các phòng khám sức khỏe tình dục do chính quyền địa phương triển khai. Đây là một phần trong chương trình tiêm chủng thường quy mang tính tiên phong toàn cầu.

Trong năm 2023, Anh ghi nhận hơn 85.000 ca mắc bệnh lậu, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1918. Ngành y tế lo ngại tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, trong đó có các chủng “kháng thuốc diện rộng” (XDR) không còn đáp ứng với các phác đồ điều trị thông thường, bao gồm ceftriaxone – loại thuốc thường được sử dụng đầu tiên trong điều trị.

Tiến sĩ Amanda Doyle, Giám đốc Dịch vụ chăm sóc ban đầu và cộng đồng thuộc NHS England nhận định: “Việc ra mắt chương trình tiêm chủng phòng bệnh lậu đầu tiên trên thế giới là bước tiến lớn trong bảo vệ sức khỏe tình dục, giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh và góp phần giảm tỷ lệ kháng thuốc.”

Loại vắc xin này chứa các protein của vi khuẩn gây viêm màng não – họ hàng gần về mặt di truyền với vi khuẩn gây bệnh lậu (Neisseria gonorrhoeae). Các nghiên cứu của Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch (JCVI) cho thấy vắc xin này có hiệu quả từ 32,7% đến 42% trong việc ngăn ngừa lậu. Dù không phòng bệnh hoàn toàn, nhưng tiêm vắc xin được cho là giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm ngay cả khi đã từng mắc bệnh cũng chưa chắc đạt được.

Tại buổi tiêm, người dân cũng sẽ được tư vấn và đề nghị tiêm thêm các loại vắc xin khác như phòng mpox, HPV, viêm gan A và B.

Tiến sĩ Sema Mandal, chuyên gia dịch tễ học và Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), cho biết: “Không chỉ mang lại sự bảo vệ cần thiết, chương trình này còn giúp Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng phòng bệnh lậu – một bước tiến dẫn đầu trong phòng ngừa căn bệnh đang ngày càng khó điều trị này.”

Bộ trưởng Y tế Anh, bà Ashley Dalton, kêu gọi người dân thuộc nhóm nguy cơ cao tích cực tham gia tiêm chủng để “bảo vệ lẫn nhau và góp phần đối phó với thách thức ngày càng lớn từ tình trạng kháng kháng sinh”.

Richard Angell, Giám đốc điều hành Tổ chức Terrence Higgins Trust gọi đây là “một bước ngoặt quan trọng”, đồng thời ước tính vắc xin này có thể giúp giảm tới 40% số ca mắc bệnh lậu mới trong những năm tới.

Tin liên quan: