Chuyên gia nói gì trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại ở nhiều nước châu Á

Đầu tháng 5/2025, COVID-19 bùng phát trở lại tại Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc với số ca nhiễm và nhập viện tăng mạnh, chủ yếu do các biến thể mới của Omicron JN.1. Giới chuyên gia cảnh báo dịch bệnh vẫn có thể bùng phát dù vào mùa hè.

Dịch bệnh gia tăng đáng kể ở một số quốc gia

Theo tờ Straits Times, mới đây, Singapore ghi nhận sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm COVID-19. Số ca nhiễm trong tuần đầu tháng 5 lên tới khoảng 14.200, tăng 28% so với con số 11.100 ca vào tuần cuối tháng 4. Số ca nhập viện cũng tăng khoảng 30% trong cùng giai đoạn.

Tình hình tại Hồng Kông cũng không mấy khả quan khi thành phố đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất trong vòng một năm. Ở đầu tuần tháng 5, thành phố ghi nhận 31 ca tử vong liên quan đến COVID-19 – mức cao nhất trong 12 tháng qua, cùng với số ca nặng và nhập viện gia tăng rõ rệt.

Đợt bùng phát này được xác định là do các biến thể mới thuộc dòng Omicron JN.1. Tại Singapore, hai biến thể phụ là LF.7 và NB.1.8 hiện chiếm hơn 2/3 số ca mắc. Đây cũng là nền tảng của các loại vắc xin mới được triển khai tại quốc đảo này. Tại Hồng Kông, các ca mắc liên quan đến biến thể JN.1 cũng đang tăng, kéo theo tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế.

Tại Trung Quốc đại lục, tình hình dịch bệnh cũng có chiều hướng phức tạp. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc), số lượng bệnh nhân đến khám vì triệu chứng hô hấp đang tăng nhanh. Trong khoảng thời gian từ ngày 31/3 đến 4/5, tỷ lệ dương tính Covid-19 trong các ca có triệu chứng giống cúm đã tăng từ 7,5% lên 16,2%. Trong các ca viêm hô hấp cấp tính nặng, tỷ lệ dương tính tăng từ 3,3% lên 6,3%.

Empty

 Số ca nhiễm COVID-19 đang tăng trở lại

Chuyên gia cảnh báo: Tình hình sẽ sớm ổn định nhưng vẫn cần cẩn trọng

Ngày 17/5, bác sĩ Đinh Tân Mẫn, Trưởng khoa của Bệnh viện Shijitan Bắc Kinh (thuộc Đại học Y Thủ đô) cho biết trong cuộc phỏng vấn với Red Star News rằng, virus SARS-CoV-2 vẫn đang đột biến và hiện chưa thể xác định rõ tính mùa vụ trong mô hình lây lan của nó. “Khác với cúm mùa, thường suy yếu vào mùa nóng, COVID-19 vẫn có thể gây bùng phát ngay cả trong thời tiết oi bức”, ông Đinh nhận định.

Vị bác sĩ này nhấn mạnh rằng, mặc dù virus đã tồn tại hơn 5 năm, nhưng với tốc độ biến đổi liên tục, nó vẫn được xem là “virus mới” trong y học. Biến thể hiện tại có khả năng lây lan nhanh, nhưng độc lực đã giảm đáng kể. Tuy vậy, ông cảnh báo rằng, người cao tuổi và những người có bệnh nền vẫn cần được bảo vệ cẩn thận vì họ có nguy cơ chuyển nặng cao hơn.

Bác sĩ Đinh tin rằng, đợt gia tăng ca bệnh hiện nay sẽ không kéo dài, nhưng cũng khẳng định SARS-CoV-2 sẽ còn tồn tại lâu dài và con người cần học cách thích nghi, “chung sống với dịch”.