Báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cơ quan này đã đề nghị các tỉnh, thành xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, "lợi ích nhóm" trong mua sắm thiết bị phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực y tế.
Theo báo cáo này, ngay sau kỳ họp thứ 2, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp, các cam kết đã đề ra tại phiên chất vấn về lĩnh vực y tế.
“Đến nay, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Đề cập đến việc tăng cường quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế và chủ động kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc triển khai xét nghiệm Covid-19, bảo đảm đúng quy định về giá, Bộ Y tế nêu, “đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể và bộ đang tích cực triển khai thực hiện”.
Theo đó, Bộ Y tế đã phối hợp với 2 bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định về đấu thầu.
Bộ Y tế cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra một số tỉnh thành về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vaccine và tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế sử dụng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngành y tế cũng kiểm tra các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng dịch để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, TP, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai đúng các văn bản của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19.
Về việc ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 với cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, tại điểm 5 Điều 88 Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.
Tuy nhiên, để kiểm soát giá xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Sở Y tế các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Trường hợp cần thiết, Sở Y tế báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, đồng thời không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
“Giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân”, báo cáo của Bộ Y tế gửi Quốc hội nêu.
Tin liên quan: