Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 25/1, diễn biến giá hàng hoá nguyên liệu tương đối phân hoá.
Trái với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp và nông sản, sắc xanh bao phủ các mặt hàng nhóm năng lượng và kim loại. Chỉ số MXV-Index tăng 0,35% lên 2.153 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức gần 4.300 tỷ đồng.
Triển vọng nhu cầu tích cực kéo giá dầu tăng 3%
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 25/1, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong gần hai tháng sau dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt dự kiến trong quý IV/2023, thúc đẩy triển vọng tích cực về nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro gián đoạn thương mại toàn cầu, cũng góp phần củng cố lực mua trên thị trường.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 3,02% lên 77,36 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2,99% lên 82,43 USD/thùng.
Theo báo cáo sơ bộ lần 1 của Cục Phân tích kinh tế Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của Mỹ tăng 3,3% so với quý trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 2% của các chuyên gia kinh tế. Tăng trưởng kinh tế nước này vẫn mạnh mẽ bất chấp áp lực từ môi trường lãi suất cao, củng cố kịch bản “hạ cánh mềm”. Kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu là động lực mạnh mẽ hỗ trợ giá dầu tăng cao.
Thêm vào đó, lực mua trên thị trường cũng được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu dầu tích cực của Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Theo dữ liệu từ Cơ quan Phân tích và Kế hoạch dầu khí (PPAC), mức tiêu thụ nhiên liệu của quốc gia Nam Á này trong năm tài chính 2024 – 2025 bắt đầu từ ngày 1/4, dự kiến sẽ tăng 2,7% lên 238,9 triệu tấn, so với ước tính sửa đổi là 232,5 triệu tấn cho năm tài chính hiện tại. Trong đó, nhu cầu xăng trong nước dự kiến tăng 5,4% lên 39,2 triệu tấn, nhu cầu dầu diesel dự kiến tăng 2,7% lên 92,4 triệu tấn.
Đáng chú ý, căng thẳng địa chính trị tại hai khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục leo thang làm gia tăng mối lo ngại gián đoạn nguồn cung trên thị trường. Hãng tàu khổng lồ Maersk cho biết các vụ nổ trong khu vực Biển Đỏ đã buộc hai tàu do công ty con của Mỹ vận hành và chở quân nhu của Mỹ phải quay đầu khi đi qua eo biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen. Trong khi đó, lãnh đạo Houthi tuyên bố nhóm này sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel, cho đến khi viện trợ đến tay người dân Palestine ở Gaza.
Tại Nga, máy bay không người lái của Ukraine đã không kích vào nhà máy lọc dầu Tuapse với công suất 240.000 thùng/ngày thuộc sở hữu của Rosneft ở miền nam nước Nga. Đây là cuộc không kích thứ tư nhằm vào mục tiêu cơ sở hạ tầng năng lượng lớn của Nga trong tuần qua, làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung năng lượng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông vẫn diễn ra căng thẳng.
Giá cà phê Robusta lên mức cao nhất trong 16 năm
Khép lại phiên giao dịch 25/1, giá Arabica giảm 1,32%, trong khi giá Robusta cao nhất 16 năm khi tăng thêm 1,37% so với tham chiếu.
Chỉ số Dollar Index tăng mạnh khi tăng trưởng GDP quý IV của Mỹ đạt 3,3% so với quý trước, cao hơn mức dự đoán của thị trường và cho thấy kinh tế Mỹ vẫn còn khá tốt. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kéo dài chu kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt. Khi đó, dòng tiền chuyển dần từ các tài sản rủi ro như cà phê sang các thị trường trú ẩn như USD.
Bên cạnh đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên 24/1 tiếp nối đà phục hồi khi tăng thêm 1.585 bao loại 60kg, lên 257.478 bao. Đồng thời, lượng cà phê chờ phân loại lại cũng tăng gần 1.000 bao lên 53.913 bao, mở rộng dư lượng cho sự phục hồi của tồn kho trong thời gian tới.
Với cà phê Robusta, diễn biến của đồng USD cũng làm giá mặt hàng này biến động. Tuy nhiên, lượng tồn kho giảm trong báo cáo kết phiên 24/1 đã kéo giá trở lại đà tăng. Cụ thể, lượng cà phê Robusta lưu trữ trên Sở ICE-EU giảm 40 tấn, về còn 30.630 tấn, mức thấp kỷ lục từ năm 2014.
Tin liên quan: