Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những bài học lịch sử mang tính thời đại

Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, Hơn hai mươi triệu đồng bào đồng loạt vùng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thắng lợi của Cách mạng Tháng năm 1945 để lại nhiều bài học lịch sử vô giá mang tính thời đại, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, Hơn hai mươi triệu đồng bào đồng loạt vùng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

anhnhahatlon44-09-46-34-624

Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa đế quốc trong hơn 80 năm, ách thống trị của phát xít Nhật 5 năm, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế suốt 1000 năm. Việt Nam từ xứ thuộc địa nửa phong kiến mất độc lập, trở thành nước độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời – Nhà nước cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước; Đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do.

Đánh giá về Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”1.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng năm 1945 để lại nhiều bài học lịch sử vô giá mang tính thời đại, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đảng ta đã vận dụng, phát huy hiệu quả những bài học của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến

chutichhochiminh

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Ảnh tư liệu)

Con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn, cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”2 Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, bởi vì: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”3.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng ta đã xác định hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến không thể tách rời nhau. Trải qua ba cao trào cách mạng, Đảng ta nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ đó và xác định: Tuy hai nhiệm vụ không tách rời nhau, nhưng nhiệm vụ chống đế quốc giải phóng dân tộc là nhiệm vụ chủ yếu nhất, nhiệm vụ chống phong kiến phải phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc. Thực tiễn lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám của Đảng cho thấy, trên cơ sở phân tích mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đảng chủ trương chĩa mũi nhọn của cách mạng vào đế quốc phát xít Nhật – Pháp và bè lũ tay sai của chúng, nhằm giải quyết mâu thuẫn gay gắt nhất giữa toàn thể dân tộc với đế quốc – phát xít, giải phóng dân tộc giành độc lập tự do. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sự kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc – chống phong kiến, phản đế – phản phong, dân tộc và dân chủ.

Giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình cách mạng.

Năm 1927, trong Tác phẩm Đường Kách Mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: Cách mạng muốn thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”4.

Từ nhận thức đó, sau khi trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã có những chuẩn bị quan trọng về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng và triệu tập Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Ngay sau khi ra đời, Đảng đã từng bước xây dựng, củng cố lực lượng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam qua 3 cao trào cách mạng (1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 – 1945). Đường lối của Đảng từng bước được hoàn chỉnh qua thực tiễn đấu tranh, đặc biệt là sự chuyển hướng chiến lược kể từ sau Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939), Hội nghị Trung ương 7 (1940) và Hội nghị Trung ương 8 (1941).

Trong lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, Đảng đã kịp thời đề ra những chủ trương đúng đắn, giải quyết những vấn đề cấp thiết của cách mạng, chớp thời cơ cách mạng, qua đó thể hiện tính linh hoạt, chủ động của Đảng. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, có những giai đoạn lịch sử, có những sai lầm, khuyết điểm, Đảng đã thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết sửa chữa, vì lợi ích của Nhân dân. Chính điều đó đã giúp cho Đảng luôn củng cố được niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng.

Để giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của mình, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Không ngừng phát triển, bổ sung Cương lĩnh chính trị, đường lối, nắm vững và kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Chú trọng công tác cán bộ, coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Không ngừng đổi mới, tự chỉnh đốn, phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu xa dân và nguy cơ suy thoái biến chất của một số cán bộ, đảng viên. Đảng đã kịp thời đề ra các Nghị quyết ngăn chặn nguy cơ suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (15-5-2016) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,…

Xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của Nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng hùng hồn khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng Nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực tiễn cách mạng. Chỉ với 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua 3 cao trào cách mạng, Đảng đã từng bước giác ngộ, vận động, tập hợp và quy tụ sức mạnh quần chúng thông qua Mặt trận dân tộc thống nhất mà nòng cốt là các tổ chức quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc,… quy tụ sức mạnh dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thành công.

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để tiếp tục phát huy bài học đó, ngày nay Đảng luôn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, luôn đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, để phát huy vai trò của Nhân dân, nhất là vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế đặt ra cho Đảng và dân tộc ta nhiều vận hội mới, nhưng cũng đan xen nhiều thách thức, khó khăn. Điều đó đòi hỏi Đảng phải tiếp tục phát huy được sức mạnh vô tận của khối đại đoàn kết dân tộc, qua đó tiếp tục động viên mọi tầng lớp Nhân dân tham gia vào cuộc chiến xóa đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp đổi mới đất nước có thành công hay không phụ thuộc vào chính Nhân dân, vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trải qua 13 kỳ đại hội với 94 năm lãnh đạo cách mạng, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang, rất đáng tự hào, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”5. Để có những thắng lợi và thành tựu đó, Đảng ta luôn khẳng định giá trị to lớn của bài học sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của Nhân dân, lấy dân làm gốc: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt quan điểm “dân làm gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”6.

Bài học về nhận định và “chớp” thời cơ cách mạng.

Thực tiễn diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đặt ra cho Đảng cộng sản Đông Dương những yêu cầu cấp bách cần giải quyết. Quyết sách kịp thời, đúng đắn trong Cách mạng Tháng Tám là minh chứng sinh động về sự nhạy bén của Hồ Chí Minh và Đảng ta trong nhận định, thúc đẩy và chỉ đạo chớp thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ, ảnh hưởng trực tiếp và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa phát xít đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Tại chiến trường châu Âu, quân đồng minh mở mặt trận thứ hai sau khi tiến hành đổ bộ lên bờ biển Normandy của nước Pháp ngày 6/6/1944, qua đó tạo thành gọng kìm thứ hai kết hợp cùng Hồng quân Liên Xô bao vây tiêu diệt quân đội phát xít Đức. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng quân đồng minh, chiến tranh thế giới kết thúc tại châu Âu.

Tại mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật rơi vào thế bị động phòng ngự, đứng trước nguy cơ thất thủ và bị tiêu diệt. Trong tình thế đó, ngày 9/3/1945, quân Nhật ở Đông Dương tiến hành đảo chính lật đổ quân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Sự kiện này đã tạo những tiền đề quan trọng cho cách mạng Đông Dương chuẩn bị các điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 12/3/1945, trong Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Đảng đã nhận định những điều kiện để tiến hành tổng khởi nghĩa đã xuất hiện, nhưng chưa “chín muồi”, đồng thời dự kiến các điều kiện thuận lợi để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: Quân đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật đã bám chắc, tiến sâu trên đất nước ta và quân Nhật đã kéo ra mặt trận ngăn cản quân đồng minh để phía sau sơ hở; Cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng Nhật được thành lập; Nhật bị mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần… Chỉ thị nhấn mạnh vẫn phải trên tinh thần dựa vào sức mình là chính. Chủ trương phát động Cao trào Kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa sau này.

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng cộng sản Đông Dương họp tại Tân trào nhận định thời cơ cách mạng đã đến, phải nhanh chóng chớp thời cơ cách mạng, phát động lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị nhấn mạnh: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập. Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi. Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: Tập trung – tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất – thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; Kịp thời – kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội. Mục đích cuộc chiến đấu của ta lúc này là giành quyền độc lập hoàn toàn”7.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp, tham dự có khoảng 60 đại biểu thay mặt các dân tộc, đảng phái, đoàn thể ở ba miền Bắc – Trung – Nam, kiều bào nước ngoài,… Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch….Sau Đại hội quốc dân, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”8.

Như vậy, thời cơ cách mạng đã xuất hiện, nếu không nhanh chóng tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 8/1945 thì khi quân Đồng minh vào Đông Dương, việc khởi nghĩa sẽ trở nên rất khó khăn. Do vậy, phải bằng mội giá giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, để tiếp đón họ với tư cách là người chủ của đất nước. Vấn đề giành chính quyền được đặt ra như một cuộc chạy đua nước rút với quân Đồng minh mà Đảng và Nhân dân Việt Nam không thể chậm trễ, không chỉ để tranh thủ thời cơ, mà còn phải khắc phục nguy cơ, đưa cách mạng đến thành công.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ ngày 14 – 28/8/1945, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước đã đồng loạt vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền với tinh thần “dù đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Như vậy trong vòng 15 ngày nửa cuối tháng 8/1945, Tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước, chính quyền đã về tay Nhân dân.

Nhận định đúng thời cơ, chớp thời cơ là một khoa học và là một nghệ thuật. Tuy nhiên để cách mạng đi đến thắng lợi thì vấn đề thời cơ là chưa đủ. Đảng và Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ cách mạng trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ra đời vào năm 1930. Việc chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ và nhận định thời cơ xuất hiện để chớp là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, đưa cách mạng đến thắng lợi một cách nhanh chóng và ít tổn thất nhất.

 

Tài liệu tham khảo:

  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7,tr.25.
  • Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng TT, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2015, t.2, tr.2.
  • Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2,tr.289.
  • Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2021, tr.25.
  • Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2021, tr.27-28.
  • Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng TT, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 424-425.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.596.

Tin liên quan: