Cảm xúc chung của hai nghệ sĩ tạo nên “Em ơi Hà Nội phố”

Từ những câu thơ trong bản trường ca “Em ơi Hà Nội phố”, những cảm xúc chung, những nhịp đập chung của nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Phan Vũ đã làm nên ca khúc bất hủ, nay đã trở thành một trong những bài “Hà Nội ca” đình đám. Cả nhà thơ Phan Vũ và nhạc sĩ Phú Quang nay đều đã đi xa, nhưng “Em ơi Hà Nội phố” thì còn mãi.

Nhạc sĩ Phú Quang đệm đàn cho ca sĩ Minh Thu trong buổi ra mắt album của ca sĩ năm 2017.

“Em ơi Hà Nội phố” là tập trường ca của nhà thơ Phan Vũ, sáng tác năm 1972, khi Hà Nội đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất của chiến tranh, bị máy bay Mỹ leo thang đánh phá. Bài thơ gồm 443 câu, chia làm 21 đoạn. Nhà thơ viết về những ngày máy bay B52 Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội, nhà ông ở phố Hàng Bún, gần nhà máy điện Yên Phụ.

Những sự kiện trong tháng 12 năm đó đã để lại một rãnh sâu đậm trong ký ức của nhà thơ. Bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” cứ thế hiện dần, với quá khứ được đẩy lùi về trước đó, êm đềm, buồn dìu dịu, mà thấm đẫm những kỷ niệm ngọt ngào, mềm mại. Đây cũng là bài thơ duy nhất về Hà Nội của nhà thơ Phan Vũ, mặc dù ông sáng tác rất nhiều. Bài hát của nhạc sĩ Phú Quang trích 21 câu, nhưng toát lên toàn bộ cảm xúc, tình cảm, nỗi nhớ, sự hoài niệm về Hà Nội những tháng năm xưa.

Bài thơ từng được nhà thơ Phan Vũ đọc ở nhiều nơi, và cũng nhiều người xin chép lại, được truyền miệng qua nhiều người, và mỗi lần như vậy, lại thay đổi một chút. Thập niên 80, một lần, ba người con của Hà Nội là nhạc sĩ Phú Quang, nhà thơ Phan Vũ và nhạc sĩ Trần Tiến gặp nhau tại một sân khấu tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Nhà thơ Phan Vũ cao hứng đọc “Em ơi Hà Nội phố” cho nhạc sĩ Phú Quang nghe.

Từ những giây phút đầu tiên nghe nhà thơ đọc, nhạc sĩ Phú Quang đã tìm thấy những cảm xúc chung, từ trái tim của một người con Hà Nội xa quê. Và ông đã nói với nhà thơ Phan Vũ là sẽ phổ nhạc cho bài thơ này, theo cách của mình. 21 câu thơ tiêu biểu nhất, đậm nét Hà Nội, có thể vẽ ra cho bất cứ ai hình dung về Hà Nội, đã được nhạc sĩ lựa chọn. Và thế là “Em ơi Hà Nội phố” ra đời.

Những cảm xúc chung của hai nghệ sĩ, hai người con xa Hà Nội đã gặp nhau ở cùng một ca khúc. Một Hà Nội của quá khứ đã lùi xa ngay cả với thời điểm bài thơ ra đời. Một Hà Nội êm đềm và mang những vẻ đẹp tiêu biểu nhất, đến mức ai chưa từng đến Hà Nội cũng có thể hình dung ra nơi này qua từng lời bài hát. Từ “mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, con đường vắng”… cho đến “cây bàng mồ côi mùa đông, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tiếng chuông ngân, một chiều phai tóc em bay”. Một Hà Nội trong những cảm xúc về những bóng hồng trong hoài niệm. Những ai yêu Hà Nội, những ai đã đến Hà Nội, những ai chưa đặt chân đến bao giờ, đều biết đến bài hát, thậm chí thuộc lòng, và đều “thấy” được Hà Nội qua lời ca.

Bài hát ra đời năm 1986. Năm 1987, ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên được nhạc sĩ Phú Quang chọn thể hiện ca khúc và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc ngay lập tức đã được đông đảo thính giả yêu mến, và ca sĩ Lệ Thu cũng trở thành giọng ca được yêu thích lúc bấy giờ. Điều đặc biệt, ca khúc đã khiến cho tên tuổi nhạc sĩ Phú Quang được biết đến như một trong những nhạc sĩ viết về Hà Nội hay nhất.

“Em ơi Hà Nội phố” cũng được rất nhiều ca sĩ nhiều thế hệ, từ trong nam đến ngoài bắc thể hiện, từ những giọng ca đình đám như NSND Lê Dung, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Tân, Cẩm Vân, Bằng Kiều, NSƯT Tấn Minh… cho đến những ca sĩ trẻ như Đức Tuấn, Phạm Thu Hà, Phạm Anh Khoa… Một số giọng ca Việt kiều cũng từng thể hiện “Em ơi, Hà Nội phố” như Khánh Ly, Tuấn Ngọc…

Nhạc sĩ Phú Quang còn có nhiều ca khúc khác nữa viết về Hà Nội, như “Im lặng đêm Hà Nội”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Hà Nội ngày trở về”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”… Có những ca khúc không hề nhắc đến Hà Nội, nhưng khi cất lên, ai cũng hiểu rằng nhạc sĩ đang nói về thành phố thương nhớ của mình, như “Về lại phố xưa”, “Nỗi nhớ mùa đông”… Ca khúc nào cũng nổi tiếng, cũng được nhiều người nghe yêu mến, nhưng những cảm xúc đặc biệt về Hà Nội như trong “Em ơi Hà Nội phố” của hai nghệ sĩ Phan Vũ và Phú Quang thì chỉ có một.

Tin liên quan: