Cảnh giác với quảng cáo thổi phồng công dụng về thực phẩm Viên ăn ngon GG

Cục An toàn thực phẩm khẳng định, nội dung quảng cáo về VIÊN ĂN NGON GG (GORGEOUS GAIN) và VIÊN THẢO MỘC GG không đúng với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp và vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Nhiều nội dung quảng cáo về thực phẩm Viên ăn ngon GG và Viên thảo mộc GG như thuốc chữa bệnh.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cảnh báo: Trong thời gian vừa qua trên website/đường link: https://www.ggvn.vn  quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIÊN ĂN NGON GG (GORGEOUS GAIN) và VIÊN THẢO MỘC GG không đúng với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp và vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo sử dụng hình ảnh, trang phục, tên của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIÊN ĂN NGON GG (GORGEOUS GAIN) và VIÊN THẢO MỘC GG do Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Blue Ocean (Địa chỉ: Thôn Phúc Lâm, Xã Hoàng Ninh, Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm, được sản xuất tại Công ty TNHH Thảo Dược Thanh Hằng (Địa chỉ: Thôn Yên Viên, Xã Vân Hà, Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang).

Tại buổi làm việc ngày 24/6/2022, ông Nguyễn Đức Sơn, người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Công ty khẳng định Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Blue Ocean không sở hữu, vận hành trang website https://www.ggvn.vn cũng như bất kỳ các website, nền tảng, ứng dụng quảng cáo nào khác.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trả lời nhiều lần về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khẳng định là “giải pháp hoàn hảo”, “chữa khỏi”… đều lừa dối người tiêu dùng.

Ông Phong cho biết, các sản phẩm đa số đều được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép, nhưng chỉ được cấp phép quảng cáo với nội dung hỗ trợ, bổ sung chứ không chữa khỏi bất kỳ căn bệnh nào. Vậy mà khi quảng cáo, nhà sản xuất đã cố tình nói vống công dụng sản phẩm, đó là có tác dụng giúp thoát khỏi bệnh này, bệnh kia. Hay sản phẩm xương khớp được quảng cáo là bí quyết trị dứt điểm thoái hoá, thoát vị ngay tại nhà. Xem một phút, khỏi guot cả đời – trong khi gout là bệnh chuyển hoá không thể chữa được.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi sau:

1. Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;

2. Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

3. Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

2. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

3. Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

4. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

5. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Tin liên quan: