Chanathip – khác biệt của tuyển Thái Lan với Việt Nam

Chỉ cao 1,57 m, Chanathip Songkrasin vẫn thực hiện điều mà không một cầu thủ nào ở Thái Lan và Đông Nam Á làm được, đó là chinh phục bóng đá Nhật Bản.

Khi tuyển Thái Lan gặp UAE ở Asian Cup 2019, tờ báo địa phương đã đăng bức biếm họa chế giễu Chanathip. Tiền vệ tuyển Thái Lan được tạo hình như người tí hon, đứng lọt thỏm giữa những gã to cao bên phía UAE. Họ nhìn Chanathip qua kính lúp rồi nói: “Đó là gã số 18. Hắn chỉ cao 157 cm”.

Đó không phải lần đầu tiên, cũng chẳng phải lần cuối cùng, người ta nhìn vào chiều cao của Chanathip trước khi nói về tài năng bóng đá của anh. Trận đấy, Thái Lan hòa 1-1, còn UAE bất lực trong việc phong tỏa Chanathip.

Ngôi sao tuyển Thái Lan một lần nữa để trái bóng thay anh mang tới câu trả lời.

Biếm họa trên một tờ báo UAE về Chanathip ở Asian Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến

Siêu sao Đông Nam Á ở Nhật Bản

Trong suốt sự nghiệp, Chanathip đã nhiều lần bị nghi ngờ như vậy.

Ngày anh chuyển tới Consadole hồi năm 2017, Andrew Ord, người giờ đang là HLV trưởng tuyển Bangladesh, nói với ESPN: “Cậu ấy cần từng bước tạo dấu ấn từ băng ghế dự bị rồi mới hy vọng tăng dần thời gian đá chính. Trong tất cả cầu thủ Thái Lan mà tôi từng làm việc chung, Chanathip là người có tinh thần mạnh mẽ nhất, luôn muốn tạo khác biệt. Nhưng cậu ấy vẫn phải cố vượt qua nỗi nhớ quê hương, nơi cuộc sống dễ dàng hơn, nơi cậu ta đã sống rất lâu”.

Đấy không chỉ là suy nghĩ của Ord mà còn là quan điểm từ số đông. Dựa trên lịch sử thất bại của những cầu thủ Đông Nam Á xuất ngoại, dựa trên khoảng cách giữa bóng đá Thái Lan và Nhật Bản, không nhiều người dám tin vào Chanathip.

“Cậu ấy đủ giỏi cho J1 League, thậm chí có thể chơi tại Đức. Vấn đề là cậu ấy có đối diện nổi với áp lực”, GĐKT Liên đoàn Bóng đá Thái Lan giai đoạn 2016-2018Witthaya Laohakul chia sẻ.

Đến cả chính đội bóng mới Consadole cũng nghĩ vậy. Hợp đồng đầu tiên của Chanathip với CLB chỉ theo dạng cho mượn trong thời gian 18 tháng. Đội bóng Nhật Bản ký hợp đồng hồi tháng 1/2017, nhưng cho Chanathip chơi thêm nửa mùa ở Muangthong. Họ có lẽ nghĩ từng ấy thời gian chuẩn bị mới là đủ, rằng họ cần kiên nhẫn để anh chàng người Thái này học hỏi từng bước.

Nhưng tất cả họ đã nhầm.

Chanathip dễ dàng thích nghi và ngay lập tức khiến người Nhật Bản phải tôn trọng ở J1 League. Ảnh: Consadole

Không cần thời gian thích ứng, không phải ngồi dự bị, chẳng cần làm quen, Chanathip tới Nhật và ngay lập tức lấy suất đá chính. Thống kê khiêm tốn một bàn, một kiến tạo sau 16 trận ở mùa đầu tiên càng khẳng định tài năng của Chanathip. Anh không cần ghi bàn ầm ầm để giữ suất đá chính, chẳng cần kiến tạo liên tục để xác lập tầm ảnh hưởng. Cách Chanathip cầm bóng, giữ bóng, cách tổ chức và xây dựng lối chơi lập tức biến anh thành ông chủ mới tại Consadole.

Không một ai đẩy được Chanathip khỏi đội hình chính từ đó tới nay. Từ vị trí 11 ở mùa 2017, Chanathip kéo đội bóng tới hạng 4 mùa 2018. Bản thân anh giành giải cầu thủ hay nhất CLB, có tên trong đội hình tiêu biểu giải đấu.

2018 cũng là năm hiệu ứng Chanathip lan tỏa mạnh mẽ nhất. Thành công của anh mở đường cho 3 người đồng đội Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Thitiphan Puangchan tới Thái Lan trong cùng một mùa. Tất cả đều đá chính, chứng minh được tài năng.

Chanathip làm được cái điều mà không một ai ở Thái Lan và Đông Nam Á trước đó làm được. Anh tạo ra một làn sóng, anh buộc người Nhật phải thay đổi cách nhìn về bóng đá khu vực, anh chứng minh người Đông Nam Á có đủ tài năng và cả sự chuyên nghiệp cho giải vô địch quốc nội số một châu Á.

Nói về Chanathip, These Football Times nhấn mạnh: “Nếu còn bất kỳ hoài nghi nào về khả năng thành công của cầu thủ Thái Lan ở Nhật Bản, Chanathip đã đập tan điều đó”.

Khác với lứa Tuấn Anh, Chanathip tới Nhật Bản với hành trang là vinh quang ở vòng loại World Cup và AFC Champions League. Ảnh: Minh Chiến

Khác biệt giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan

Thành tựu của Chanathip trước trận Việt Nam gặp Thái Lan mang tới những cảm xúc nghẹn ngào. Bởi một năm trước khi Chanathip đi Nhật, chính Việt Nam mới là nền bóng đá xuất ngoại rầm rộ hơn, số lượng lớn hơn nhưng bất thành. Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đều chỉ trụ được một năm ở giải đấu hạng 2 của bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thất bại của họ và thành công của Chanathip cho thấy bóng đá Nhật vẫn có chỗ cho những cầu thủ Đông Nam Á. Vấn đề là chúng ta có đủ tài năng không?

Các nền bóng đá phát triển nhìn nhận năng lực cầu thủ thông qua những giải đấu tầm cao. Với Đông Nam Á, đó là vòng loại World Cup, Asian Cup ở cấp đội tuyển và AFC Champions League (ACL) cho cấp CLB. Chanathip đã đưa Thái Lan tới vòng loại ba, đưa Muangthong đến vòng knock-out ACL. Đường tới Nhật Bản của anh hoàn toàn khác Công Phượng, người mới lên V.League một năm và chưa có thành tựu nào ở đội tuyển khi xuất ngoại.

Cách dễ dàng để nhận biết vị thế thực sự của cầu thủ ở CLB nằm ở thái độ của đội chủ quản với mỗi lần họ trở về tuyển quốc gia. Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh đều được trả về dễ dàng sau những lần mở lời từ VFF. Văn Hậu thậm chí được rời Heerenveen vài tuần để đá SEA Games. Chuyện cầu thủ Việt Nam về tuyển khác hoàn toàn Thái Lan, nơi Chanathip phải bỏ trận khai mạc AFF Cup, còn Bunmathan thậm chí từng từ chối rời Nhật Bản để giữ vị trí tại CLB.

Chỉ chi tiết ấy đủ nói lên đẳng cấp của những người như Chanathip.

Đến hôm nay, họ vẫn là khác biệt của tuyển Thái Lan ở AFF Cup. Chúng ta đều đã thấy Thái Lan chật vật ra sao trước Timor Leste. Rồi khi Chanathip và Bunmathan có mặt, đội Thái lột xác và lập tức đè bẹp mọi đối thủ. Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Thái Lan cũng là cái tên từng chơi bóng tại Nhật Bản: Dangda.

Ba cầu thủ đó hứa hẹn là thử thách cực đại cho Quang Hải và các đồng đội ở trận đấu tối 23/12.