Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, thiên tai vẫn đang diễn ra khốc liệt trên toàn quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người, 162 nhà sập đổ, 7.888 nhà bị hư hỏng, 41.581 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, 20 ghe, thuyền bị chìm...
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy từ nay đến cuối năm, thiên tai sẽ ác liệt với bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất, lũ quét… Bên cạnh những nguyên nhân như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan dẫn đến thiệt hại về người và tài sản trong những đợt thiên tai, sự chủ quan của con người được xác định là nguyên nhân cần được khắc phục triệt để. Do đó, cùng với sự chỉ đạo sâu sát, kiên quyết của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân trong việc chủ động ứng phó thiên tai cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, cần nhất quán quan điểm chỉ đạo: Phòng, chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, gồm ba giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực PCTT và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch PCTT và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; đảm bảo nguồn lực thực hiện.
Trong đó, các chuyên gia lưu ý, cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Với tiến bộ của khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, cùng sự bùng nổ công nghệ thông tin và các nền tảng liên lạc, con người ngày càng dễ dàng nắm bắt tình hình thiên tai để chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hành động sớm.
Hiện nay, ngoài các phương tiện thông tin đại chúng, người dân có thể sử dụng các nền tảng liên lạc thông dụng, phổ biến để liên tục được kết nối với cơ quan chức năng và cập nhật thông tin. Tiêu biểu như trang Zalo “Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai” mỗi năm gửi hơn 120 triệu tin nhắn đến đồng bào các vùng bị thiên tai trên khắp cả nước.
Ứng dụng Mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” do Ban chỉ đạo Quốc gia PCTT phối hợp cùng UNICEF phát hành trên Zalo cũng đang được đông đảo người dân cài đặt với các tính năng cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất tình hình thời tiết, thiên tai ở các địa phương; tìm hiểu các loại hình thiên tai và các biện pháp phòng ngừa, liên hệ cứu trợ trong tình huống khẩn…
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD.
Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu là chủ động PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Cụ thể, đến năm 2030, giảm 50% thiệt hại về người do thiên tai so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP.
Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, thiết nghĩ, ngoài một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, cần nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tâm thế chủ động, không được lơ là, chủ quan của mỗi người dân.
Tin liên quan: