Nhiều người sau mắc COVID có tình trạng ho kéo dài nên đã rủ nhau mua những loại thực phẩm chức năng giúp thanh lọc phổi. Chuyên gia khuyến cáo việc này không cần thiết.
Chị T.T.T (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết 2 vợ chồng chị mắc COVID từ ngày 3/3 với những triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi. Sau khi âm tính, chị T vẫn còn tình trạng ho có đờm. Chị lên mạng thì được nhiều người giới thiệu mua thực phẩm chức năng được quảng cáo là giúp thanh lọc phổi.
“Tôi được giới thiệu 2 loại thải độc, thanh lọc và bổ phổi để sử dụng. Hai loại này cũng gần 1 triệu đồng, được giới thiệu là hàng xách tay nên tôi cũng khá an tâm”, chị T nói.
Tương tự, chị L.T.L (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết chị mắc COVID từ ngày 8/3 với biểu hiện ho, ngạt mũi. Hai ngày đầu chị sử dụng thuốc ho, thuốc long đờm và thuốc cảm cúm, tất cả đều là nguyên liệu thảo dược. Sau đó, chị chấm dứt được tình trạng này, 8 ngày sau đó chị test lại và đã âm tính.
Nhưng khoảng 1 tuần sau đó, chị L tái diễn tình trạng ho có đờm khiến chị rất khó chịu. Do tính chất công việc nên chị không sử dụng thuốc vì sợ gây buồn ngủ. Chị được một người bạn giới thiệu mua trà thải độc để nhanh phục hồi phổi. Chị liền đặt 2 gói trà thải độc thiên nhiên với giá hơn 300.000/gói. Chị nghĩ chỉ cần uống vài ngày sức khỏe chị sẽ ổn định lại.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp sau khi mắc COVID đã tin “bác sĩ mạng”, mua thực phẩm chức năng thanh lọc phổi khi chưa đi khám.
Tiền mất tật mang
Trao đổi với PV về vấn đề trên, BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM), cho biết nguyên nhân gây ra các triệu chứng này là:
– Hậu COVID, cơ thể còn đào thải xác virus;
– Bản thân chúng ta có cơ địa dị ứng nên sẽ còn ho;
– Khi chúng ta mắc COVID nhưng bị trào ngược dạ dày, uống nhiều thuốc thì tình trạng này tăng nặng thêm, chúng ta tiếp tục ho do trào ngược;
– Kích thích trung du thần kinh dọc đường hô hấp ở vùng khí quản sẽ gây ra ho.
Theo BS Khanh, việc thanh lọc (rửa) phổi chỉ nên áp dụng với những người trong môi trường hít phải quá nhiều bụi (than, kim loại). Còn về y học, không có bệnh lý nào phải thanh lọc phổi. Nhiễm COVID-19 là do virus, vì thế không phải thanh lọc phổi.
“Một số người mắc COVID-19 thể nặng có dấu vết sẹo hay dãy xơ trên phổi. Những vấn đề này cũng không cần detox phổi mà phải tập thở để tăng khả năng trao đổi khí ở những vùng còn lại không bị xơ. Một số nghiên cứu cho thấy sau 6 tháng những vết xơ này sẽ tự lành”, BS Khanh cho biết.
BS Hoàng khuyến cáo việc dùng nhiều loại thuốc quá có thể phản tác dụng. Cơ thể không thể nào tiếp nhận được quá nhiều loại thuốc bổ, mà đôi khi thành phần còn giống nhau. Do đó, nếu chưa có dấu hiệu, chưa có triệu chứng gì ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày thì mọi người cứ bình tĩnh, đừng để bị lợi dụng kẻo tiền mất tật mang.
“Người bệnh không nên quá kỳ vọng vào các thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng bổ phổi, thanh lọc phổi, vì thực chất nó chỉ mang tính chất hỗ trợ. Chưa kể dùng đồng thời nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Nếu có thì chỉ nên dùng một loại có xuất xứ rõ ràng, uy tín”, BS Hoàng nhấn mạnh.
BS Khanh khuyến cáo mọi người có thể thực hiện một số biện pháp sau để làm giảm cơn ho:
– Tập thở: thở bụng có chú ý, hít vào bụng phình, thở ra bụng xẹp mỗi đợt 3-4 nhịp.
– Hít vào thở ra bằng mũi cho đến khi hết ho.
– Uống từng ngụm nước ấm. Ngậm kẹo.
– Tránh để khô họng, uống đủ nước.
– Uống thuốc ho.
– Ăn đầy đủ, đa dạng các món, dễ tiêu hóa. Nếu có thời gian thì nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa để cơ thể dễ hấp thụ.
– Đảm bảo tinh thần tốt, hạn chế suy nghĩ linh tinh, làm những việc mình yêu thích, tâm trạng thoải mái thì đỡ stress và giúp ngủ ngon giấc hơn.
Ngoài ra, người bệnh có thể tìm hướng dẫn các bài tập thở trên báo chính thống, thông tin của Bộ Y tế, Sở Y tế để tăng cường chức năng hô hấp, thải trừ các chất độc trong đường hô hấp ra ngoài.
Tin liên quan: