Khi dương tính với Covid-19, nhiều người mua thuốc, thực phẩm chức năng để uống với hy vọng đào thải virus nhanh hơn và làm chậm quá trình sinh sôi của virus trong cơ thể.
Cách đào thải virus nhanh
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh – nguyên trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, các loại virus nói chung, trong đó có SARS-CoV-2 thường được đào thải qua đường tiêu hoá (nước tiểu) và đường hô hấp (khạc nhổ). Tuy nhiên, đa phần, virus được đào thải qua đường tiêu hoá.
Việc đào thải virus nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Sức đề kháng tốt thì cơ thể sẽ đào thải virus nhanh hơn. Người nào có sẵn miễn dịch như đã từng mắc bệnh, đã tiêm phòng vaccine thì khả năng đào thải virus sẽ nhanh hơn.
Nếu hệ miễn dịch yếu, cơ thể không sản xuất đủ kháng thể bảo vệ, virus dần dần chiếm ưu thế và gây ra tình trạng viêm nhiễm, mất kiểm soát. Từ đó, virus gây tổn thương phổi nặng, đồng thời kích thích hệ thống miễn dịch đáp ứng quá mức và lan rộng tạo thành cơn bão cytokine. Bão cytokine có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm như rối loạn huyết động, thay đổi tính thấm thành mạch, suy đa tạng và hình thành cục máu đông.
Vì vậy, ngoài việc tiêm đủ các liều vắc xin bao gồm các liều cơ bản và liều bổ sung thì mỗi chúng ta, đặc biệt là những người có bệnh nền, cần tăng sức đề kháng của mình. Các bệnh nền cần lưu ý là ung thư, tổn thương gan cấp và mạn tính, suy thận, đái tháo đường, HIV-AIDS, người cao tuổi hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
BS Khanh cho biết để có sức đề kháng chúng ta phải ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Ngoài ra, việc chúng ta tập thở cũng có tác dụng đào thải virus nhanh hơn.
Một số người có thuốc kháng virus có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để uống thêm nhằm đào thải virus nhanh hơn.
Trong trường hợp không có thuốc kháng virus thì người bệnh cũng không nên quá hoang mang và duy trì ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng đề kháng tự nhiên. Lúc ấy, virus sẽ tự bị đào thải.
Ăn đủ chất có nghĩa là ăn đủ số lượng, ăn đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo từng nhóm tuổi. Các chất dinh dưỡng bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và nước. Đồng thời, mọi người cần đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, có thể thêm 1 đến 3 bữa phụ.
Thêm vào đó, mọi người nên đảm bảo nguyên tắc chế biến thực phẩm hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có tình trạng chán ăn, đau họng, giảm vị giác/khứu giác, người nhà có thể chế biến thức ăn ở dạng mềm, lỏng để người bệnh dễ ăn và cơ thể dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.
Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến và sử dụng, bảo quản thực phẩm cũng là điều vô cùng cần thiết.
Đặc biệt, những trẻ em, người trưởng thành có các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.
Vì sao có người lâu khỏi bệnh?
Khi nhiễm virus SARS-CoV-2, việc khỏi bệnh nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nếu bạn không có các bệnh lý nền và đã tiêm đủ các liều vắc xin cơ bản nhưng thời gian dương tính kéo dài cũng không nên lo lắng.
BS Khanh cũng cho biết thông tin những người có triệu chứng Covid-19 kéo dài là do cơ thể đào thải virus lâu hơn là điều không chính xác.
BS Khanh nói thêm: Test nhanh Covid-19 có 1 vạch mờ hoặc đã hết các triệu chứng lâm sàng sau khi nhiễm bệnh cũng không thể đảm bảo việc không lây lan virus. Do đó, những đối tượng này vẫn cần phải cách ly theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Tin liên quan: