Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày 2/10 kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,4% lên 2.232 điểm.
Đáng chú ý, thị trường kim loại rực xanh khi toàn bộ mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong khi đó, trên thị trường cà phê, cả hai mặt hàng Arabica và Robusta đều gây bất ngờ khi sụt giảm sâu.
Nguồn cung cải thiện đẩy giá cà phê đột ngột lao dốc
Theo MXV, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm sâu trong phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giá cà phê Arabica đánh mất gần 3% so với tham chiếu, về mức 5.654 USD/tấn, thấp nhất trong hai tuần trở lại đây; giá cà phê Robusta giảm mạnh hơn 6%, về sát 5.100 USD/tấn. Một loạt thông tin cơ bản có lợi cho mùa vụ cũng như nguồn cung cà phê đã gây áp lực lên giá.
Cơ quan dự báo thời tiết LESG cho biết có thể hết tuần này, tình trạng hạn hán tại khu vực Đông Nam – vùng trồng cà phê chính của Brazil sẽ chấm dứt. Kể từ tuần sau, khối không khí lạnh từ phía Nam sẽ dịch chuyển dần lên vùng Đông Nam, mang theo mưa khiến nhiệt độ trung bình giảm xuống. Dự kiến trong 15 ngày, lượng mưa tại Đông Nam có thể cao hơn mức bình thường 50 mm và nhiệt độ giảm 2-4 độ C. Điều kiện thời tiết cải thiện đưa đến kỳ vọng mùa vụ cà phê tại Brazil có thể phục hồi sau chuỗi ngày khô hạn kỷ lục kéo dài.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đang đề xuất hoãn thời gian thi hành quy định mới về việc nhập khẩu hàng hóa thêm 12 tháng. Trước đó, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng, bao gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Động thái này có thể giúp cho hoạt động thương mại cà phê vẫn ổn định trong thời gian tới khi một số nhà sản xuất cà phê vẫn đang tìm cách đáp ứng.
Hơn thế, quy định EUDR thực hiện muộn hơn cũng có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu cà phê từ châu Âu tạm thời ngừng việc ồ ạt nhập hàng (bảo đảm đủ nguồn cung trước khi không thể nhập cà phê do quy định mới được thi hành), từ đó giúp cung – cầu cà phê trên thị trường trở lại cân bằng.
Triển vọng sản lượng và xuất khẩu cà phê tích cực hơn từ một số quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới cũng làm gia tăng sức ép lên giá cà phê trong phiên hôm qua. Honduras, quốc gia trồng cà phê lớn nhất Trung Mỹ cho biết dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 5,37 triệu bao, tăng 14,5% so với vụ trước nhờ sản lượng tăng trong năm nay.
Trước đó, Chính phủ Indonesia công bố, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước này vượt 19.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Colombia, quốc gia xuất khẩu cà phê Arabica chất lượng cao lớn nhất thế giới cũng ước tính sản lượng đạt khoảng 13 triệu bao trong vụ 2024-2025, trong khi tổng lượng xuất khẩu vào khoảng 12 triệu bao, tăng 14,3% so với vụ trước.
Thị trường kim loại xanh nhờ hỗ trợ kép từ vĩ mô và cung – cầu
Ngược chiều với mặt hàng cà phê, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,56% và 1,58%, đóng cửa tại mức 31,92 USD/ounce và 1.016,8 USD/ounce. Giá hai mặt hàng này tiếp tục được hưởng lợi trong phiên hôm qua khi lo ngại căng thẳng leo thang tại Trung Đông thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư trú ẩn an toàn.
Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng ghi nhận mức biến động khá hẹp do thanh khoản thị trường thấp khi Trung Quốc đã bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Tuy vậy, các mặt hàng vẫn giữ vững sắc xanh của phiên trước đó. Trong đó, giá đồng COMEX tiếp đà tăng với mức tăng 1,31% lên 10.249 USD/tấn. Bên cạnh lực hỗ trợ từ các động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ nhu cầu tăng mạnh trong trung và dài hạn là những điểm sáng thúc đẩy cho đà tăng của giá đồng.
Trong diễn biến khác, giá niken LME nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp với mức tăng 2,5% lên 18.153 USD/tấn, duy trì ở vùng giá cao nhất trong hơn hai tháng trở lại đây. Giá niken đang được hỗ trợ gần đây chủ yếu là nhờ sự cải thiện trong tâm lý thị trường sau khi Trung Quốc công bố loạt biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay, kết hợp với một số lo ngại về nguồn cung. Theo Reuters đưa tin, nhà sản xuất niken hàng đầu Trung Quốc Tsingshan đã cắt giảm sản lượng ferronickel tại Indonesia do tình trạng thiếu quặng dai dẳng.
Tin liên quan: