Giá đường, dầu thô tăng mạnh kéo thị trường hàng hóa hồi phục

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 5/9, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa, chia sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,22% lên 2.302 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.700 tỷ đồng.

Giá đường, dầu thô tăng mạnh kéo thị trường hàng hoá hồi phục - Ảnh 1.

Nhìn chung, thị trường kim loại, đặc biệt là kim loại quý chịu sức ép bán tương đối mạnh do sự mạnh lên của đồng USD trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, lực mua tích cực trên thị trường năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đã hỗ trợ chỉ số hàng hóa chung MXV-Index chốt ngày trong sắc xanh. Tâm điểm toàn thị trường hướng về giá dầu thô.

Dầu Brent chính thức cán mốc 90 USD/thùng, cao nhất trong 9 tháng

Kết thúc ngày giao dịch 5/9, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ 9 liên tiếp, sau khi tăng gần 1% và đóng cửa với mức giá 86,69 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022. Dầu Brent chốt phiên trên 90 USD/thùng, tăng 1,17% so với phiên trước đó và là mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng.

Giá đường, dầu thô tăng mạnh kéo thị trường hàng hoá hồi phục - Ảnh 2.

Thông báo gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm của Saudi Arabia và Nga làm dấy lên lo ngại khả năng thiếu hụt trong mùa Đông cao điểm. MXV cho biết, đây là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên hôm qua.

Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết quốc gia này dự kiến sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12 năm nay. Điều này gây ra bất ngờ khá lớn khi trước đó, thị trường cho rằng Saudi Arabia sẽ thông báo gia hạn kế hoạch này trong tháng 10.

Như vậy, sản lượng của nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia trong 3 tháng cuối năm 2023 dự kiến sẽ đạt mức khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Thêm vào đó, Nga cũng cho biết sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện bổ sung nguồn cung dầu cho thị trường thế giới thêm 300.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 12/2023. Trước đó Nga đã cam kết tự nguyện giảm xuất khẩu 500.000 thùng mỗi ngày trong tháng 8 và 300.000 thùng mỗi ngày trong tháng 9.

Hợp đồng tương lai Brent tháng trước được giao dịch vào ngày 5/9 ở mức cao hơn 4,37 USD/thùng so với giá kỳ hạn 6 tháng, mức chênh lệch cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Đối với hợp đồng tương lai WTI của Mỹ, chênh lệch giữa hợp đồng tháng trước và hợp đồng 6 tháng đã tăng lên tới 4,88 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Giá dầu kỳ hạn gần cao hơn khuyến khích các nhà sản xuất và thương mại bán dầu từ kho dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu ngắn hạn. Đồng thời, giá dầu tăng cao cũng khiến giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng, trong bối cảnh nhu cầu khá tích cực.

Giá xăng tại Mỹ hiện đang ở mức 3,8 USD/gallon, mức cao nhất theo mùa trong hơn một thập kỷ ngay khi kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động đánh dấu sự kết thúc của mùa lái xe cao điểm ở Mỹ. Mức trung bình 10 năm chỉ đạt khoảng 3 USD/gallon. Đây sẽ là những thách thức tiềm ẩn cho Chính phủ Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong tiến trình kiểm soát lạm phát.

Giá đường, dầu thô tăng mạnh kéo thị trường hàng hoá hồi phục - Ảnh 3.

Giá đường vẫn đi lên, cà phê diễn biến trái chiều

Đóng cửa ngày giao dịch 5/9, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, giá đường vẫn tăng mạnh. Giá đường 11 dẫn dắt xu hướng toàn thị trường với mức tăng đến 3,25% so với tham chiếu. MXV cho biết lo ngại sản lượng đường thấp tại Ấn Độ khiến quốc gia này cấm xuất khẩu trong niên vụ mới khiến giá tăng.

Trong một diễn biến đáng quan tâm khác, giá cà phê Arabica hồi phục hơn 1% sau 2 phiên suy yếu liên tiếp trước đó. Mặc dù mở cửa, giá Arabica vẫn chịu sức ép từ tình hình xuất khẩu tích cực tại các quốc gia cung ứng chính. Tuy nhiên, sang phiên tối lo ngại tồn kho cà phê xuống mức thấp đã giúp giá tăng trở lại.

Ở chiều ngược lại, giá Robusta ghi nhận mức giảm 1,21% trong phiên hôm qua khi tồn kho trên Sở ICE bất ngờ tích cực trở lại.

Tin liên quan: