Được đánh giá là giải pháp hiện đại, giúp đơn giản hóa thủ tục và “bớt việc” cho giáo viên, nhưng việc ứng dụng học bạ điện tử đang diễn ra nửa vời trên cả nước.
Hàng chục năm qua, ngành giáo dục vẫn chủ yếu sử dụng học bạ giấy để ghi điểm và nhận xét học sinh – hình thức được gần 90% độc giả, qua một cuộc khảo sát trên VnExpress, đánh giá là “lạc hậu”, thêm công thêm việc và gây áp lực cho giáo viên.
Nhiều giáo viên và nhà trường nêu vấn đề phát triển học bạ điện tử – hình thức được Bộ Giáo dục & Đào tạo đặt ra trong định hướng đưa công nghệ vào giáo dục và bắt đầu triển khai từ khoảng năm 2019. Thầy Cao Đức Khoa, hiệu trưởng THCS Huỳnh Khương Ninh (TP HCM), cho biết trường đang thực hiện sổ điểm điện tử theo hệ thống chung của ngành, nhưng vẫn duy trì học bạ giấy.
Điểm kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ được ghi vào sổ điểm cá nhân, đồng thời nhập lên hệ thống. Hệ thống này sẽ tính toán ra kết quả điểm trung bình học kỳ, năm học. Từ đó, giáo viên ghi kết quả này vào học bạ giấy, ký tên xác nhận. Quá trình nhập điểm có công đoạn hậu kiểm kỹ lưỡng để tránh sai sót.
Với khối lượng công việc như vậy, thầy Khoa cho biết, sử dụng học bạ điện tử như một hình thức duy nhất là mơ ước của trường và giáo viên. Bởi trường dễ dàng quản lý điểm số của học sinh, giáo viên cũng giảm bớt công việc, có điều kiện tập trung vào chuyên môn. Về phía học sinh, học bạ điện tử giúp thuận tiện hơn khi chuyển trường, chuyển cấp.
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng THPT Thành Nhân, quận Tân Phú bổ sung thêm, học bạ điện tử giúp nhà trường tiết kiệm khoản mua sổ hoặc in ấn. Học bạ chỉ được in và đóng dấu nếu học sinh thực sự cần. “Nếu hệ thống học bạ điện tử thống nhất, an toàn, có thể liên thông dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng. Như vậy, các em lớp 12 không phải mất thời gian scan học bạ khi xét tuyển hoặc phải rút ra, nộp vào như hiện nay”, thầy Độ bày tỏ.
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục, trong đó loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy. Một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Tiền Giang… đã sử dụng ứng dụng học bạ điện tử và nhận thấy hiệu quả.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng sổ điểm, học bạ điện tử là một trong những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, tăng công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Hiện, Tỉnh dùng chung một hệ thống sổ điểm, học bạ điện tử. Học sinh chuyển cấp trong tỉnh không cần lấy học bạ giấy, bởi kết quả đánh giá, xếp loại của các em đã được lưu trên hệ thống.
Về quy trình, các trường giao nhiệm vụ nhập điểm, nhận xét cho giáo viên, nộp danh sách kèm xác nhận của hiệu trưởng cho Phòng Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ vào đó, Sở cấp tài khoản và quyền truy cập hệ thống cho những thầy cô trong danh sách.
Cuối mỗi học kỳ, hệ thống được mở trong một khoảng thời gian nhất định để giáo viên nhập điểm, nhận xét. Khi hệ thống đã khóa trở lại, nếu có sai sót, thầy cô phải thông qua hiệu trưởng, trình bày lý do, trường xác nhận và báo cáo với Phòng, Sở. “Trong trường hợp đó, giáo viên được sửa phần đã nhập sai. Sở không can thiệp được kết quả trên học bạ điện tử”, đại diện Sở cho hay.
Ông cho biết học bạ điện tử thuận lợi, được giáo viên, học sinh “rất thích”. Trước kia mỗi khi cần, học sinh phải đến trường xin photo học bạ giấy, sau đó công chứng. Với học bạ điện tử cùng chữ ký số của giáo viên đã được lưu trên hệ thống, các em chỉ cần scan.
Nhưng ứng dụng “rất được yêu thích” này đang triển khai lỗ chỗ trên cả nước, theo kiểu, tỉnh nào mạnh, tỉnh đó làm.
Lãnh đạo một trường THCS ở tỉnh Tây Nam Bộ – nơi triển khai học bạ điện tử ba năm nay – thừa nhận hệ thống này đang được vận hành không đồng bộ. Do chưa có hướng dẫn sử dụng trong toàn quốc, mỗi tỉnh thành thực hiện một kiểu. Vì thế, học sinh tỉnh này chuyển trường sang tỉnh khác vẫn phải xin bản học bạ truyền thống, bởi hai hệ thống không liên thông.
Đây cũng là khó khăn xảy ra với Nghệ An. Đại diện Sở Giáo dục Nghệ An cho hay, học sinh chuyển trường trong tỉnh rất dễ dàng vì có chung hệ thống quản lý điểm số, xếp loại. Tuy nhiên, nếu chuyển đến tỉnh, thành khác, hoặc tiếp nhận học sinh từ nơi tỉnh khác tới, các trường vẫn cần sử dụng học bạ giấy để nhập học.
Do chưa thể triển khai đại trà, thống nhất, học bạ điện tử chưa phát huy hết lợi ích. Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (TP HCM), cho rằng học bạ điện tử chỉ thành công nếu triệt để số hóa tất cả thủ tục trong ngành giáo dục. Theo đó, sổ điểm, học bạ, báo cáo năm học đều phải được số hóa, tích hợp đồng bộ trong một hệ thống.
“Hiện nay, nhiều dữ liệu đã được báo về Sở Giáo dục và Đào tạo trên hệ thống điện tử nhưng vẫn phải đi kèm bản cứng. Nếu thực hiện nửa vời như vậy, làm sao triển khai nổi học bạ điện tử triệt để”, thầy Phú nói.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá việc triển khai học bạ, sổ điểm điện tử đang diễn ra chủ yếu trên quy mô trường hoặc địa phương. Ông cho rằng, việc tạo ra một hệ thống trên cả nước là điều cần thiết.
Đánh giá về các điều kiện công nghệ, cơ sở hạ tầng hiện nay, ông Ngọc nhận định “việc xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu học sinh, trong đó có học bạ điện tử, là điều khả thi”. Dù vậy, theo ông, để vận hành nhịp nhàng một hệ thống với khối lượng dữ liệu lớn, lại trên quy mô cả nước, cần nhiều năm hoàn thiện.
Đại diện các trường và địa phương đang dùng học bạ điện tử bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng bộ hóa dữ liệu, khắc phục các bất cập về công nghệ để tiến tới ban hành hướng dẫn về quy trình, cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử, nhằm tạo thuận tiện cho học sinh, tối giản các thủ tục hành chính.
“Khi có một hệ thống chung cả nước, các hướng dẫn sẽ thống nhất, tạo sự yên tâm cho địa phương khi sử dụng”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bày tỏ.
Tin liên quan: