Từ 15/3, du lịch Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế với hàng loạt quy định được nới lỏng. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm.
Việc mở cửa tất nhiên là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch nói chung và cho các doanh nghiệp lữ hành nói riêng.
Tuy nhiên, những người trong ngành du lịch nhận định sẽ không có chuyện khách du lịch ùn ùn kéo đến ngay trong thời gian ngắn sắp tới, bởi những thị trường khách quan trọng nhất của du lịch Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng vẫn còn chưa mở cửa trở lại.
Cần có kế hoạch dài hơi
Đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa để theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Hàn Quốc, Nhật Bản dù không đóng cửa nhưng cách ly rất nghiêm ngặt đối với người từ nước ngoài trở về. Còn khách Nga đã tạm ngưng đến Khánh Hòa do hệ lụy từ chiến sự.
Theo các doanh nghiệp, việc khai mở các thị trường khác cần phải có thời gian và phụ thuộc vào chính sách của các nước sở tại.
Chia sẻ với Zing, ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International chia sẻ: “Thông thường khách châu Á – đi ngắn ngày – sẽ lên kế hoạch đi du lịch trước khi khởi hành khoảng 3 tháng. Khách châu Âu, Bắc Mỹ – đi dài ngày – cần ít nhất 6 tháng để lên kế hoạch.
“Kể cả du khách đã tiếp nhận thông tin về Việt Nam mở cửa thì họ cũng cần độ lùi để chuẩn bị cho chuyến du lịch của mình. Nhanh nhất cũng mất 3-4 tháng nữa mới có các đoàn khách lớn từ các nước châu Á đến Việt Nam, còn châu Âu chắc gần cuối năm”, ông Thảo nhận định.
Đồng quan điểm, ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phương Thắng, nhận định Khánh Hòa có thể đón các đoàn khách từ Singapore, Malaysia từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Từ 15/4, dự kiến hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ mở lại đường bay Singapore – Khánh Hòa. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan vẫn đáng để kỳ vọng nhất thời gian tới.
“Qua trao đổi với các đối tác, nếu không có những diễn biến bất thường, họ sẽ đưa các đoàn khách Hàn Quốc đến Khánh Hòa từ cuối tháng 5 bằng các chuyến bay thuê bao. Còn khách Đài Loan khả năng sẽ đến Việt Nam trong tháng 6”, ông Thắng nói.
Đón nhận thông tin Việt Nam mở cửa du lịch, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, đánh giá so với Thái Lan, Campuchia… chúng ta đã chậm “một nhịp”.
Theo ông Hà, để có thể thu hút khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc truyền thông về chính sách mở cửa, trong đó có miễn thị thực, quy định phòng dịch đến du khách.
Còn về mặt thị trường khách, các trung tâm du lịch lớn như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết… cần chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa nguồn khách quốc tế, tránh phụ thuộc quá sâu vào một vài thị trường chính như trước đây.
“Trong bối cảnh thị trường Đông Bắc Á và Nga còn gặp nhiều khó khăn, ngành du lịch cần đẩy mạnh khai thác thị trường khách trong ASEAN, sau đó mới tính đến các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, sau nữa là Trung Quốc”, ông Hà nói.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Theo các chuyên gia, sau 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tâm lý, thị hiếu khách du lịch đã có nhiều thay đổi. Trong đó dễ nhận thấy xu hướng khách du lịch ngày càng coi trọng các sản phẩm du lịch xanh, chương trình du lịch gắn liền với chăm sóc sức khỏe.
“Khánh Hòa nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung cần phải hướng đến khách Tây Âu, Bắc Mỹ… Muốn vậy phải có sự thay đổi sản phẩm du lịch để phù hợp với khách. Ví dụ như Khánh Hòa có lợi thế nghỉ dưỡng biển, nên cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, phải có những sản phẩm cao cấp hơn về du lịch biển đảo…”, ông Hà phân tích.
Bàn về giải pháp phục hồi hậu mở cửa du lịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International Phan Đình Thảo, cho rằng ngoài việc lên kế hoạch, quảng bá các chương trình tour tuyến, dịch vụ cho khách quốc tế thì đẩy mạnh thị trường nội địa là một giải pháp.
“Trong bối cảnh khách quốc tế không đến ngay lập tức, doanh nghiệp du lịch cần quảng bá, đẩy mạnh đón khách nội địa. Việc này vừa kích cầu du lịch, vừa lấy ngắn nuôi dài trong khi chờ đợi khách quốc tế đến. Như mình đang tập trung tối đa cho nội địa như thuê charter máy bay, chạy series đoàn…”, ông Thảo nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa Hoàng Văn Vinh, cho rằng dịch bệnh kéo dài đã làm các doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính.
“Trong giai đoạn đầu phục hồi du lịch, thiết nghĩ Trung ương, các bộ ngành và địa phương cần hỗ trợ và nâng cấp sản phẩm du lịch. Nếu được, có thể có những gói vay với lãi suất thấp để doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch”, ông Vinh kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết để đẩy nhanh việc khôi phục thị trường khách quốc tế, ngành du lịch địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Nha Trang – Khánh Hòa là điểm đến “an toàn, văn minh, thân thiện”.
“Chúng tôi cũng sẽ kết nối để khôi phục lại các thị trường truyền thống trước đây như Nga, Hàn Quốc… đồng thời sẽ xúc tiến mở thêm các thị trường mới, trong đó có Ấn Độ”, bà Thanh nói.
Tin liên quan: