Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm (đón từ 17-18 triệu lượt).
Đạt được kết quả trên cho thấy ngành du lịch đã hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra từ đầu năm nhờ chính sách thị thực thông thoáng, sự đa dạng hóa và phát triển của nhiều thị trường tiềm năng cùng với hoạt động xúc tiến quảng bá hiệu quả trên thực địa và các nền tảng số…
Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người, chiếm 84,4%; bằng đường bộ đạt gần 2,5 triệu lượt người, chiếm 14,2%; bằng đường biển đạt gần 248,1 nghìn lượt người, chiếm 1,4%. Khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 79,6%, châu Âu (11,3%), châu Mỹ (5,7%) và châu Phi (0,3%).
Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với 4,5 triệu lượt (chiếm 25,98%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,7 triệu lượt (chiếm 21,26%).
Các vị trí tiếp theo trong 10 thị trường hàng đầu có Đài Loan (1,29 triệu lượt), Mỹ (780 nghìn lượt), Nhật Bản (711 nghìn lượt), Ấn Độ (501 nghìn lượt), Malaysia (495 nghìn lượt), Úc (491 nghìn lượt), Campuchia (475 nghìn lượt) và Thái Lan (418 nghìn lượt).
Năm 2024, nổi lên thị trường tiềm năng Ấn Độ trong thời gian qua có sự tăng trưởng rất đáng kể, từ 138 nghìn lượt năm 2022 lên 392 nghìn lượt năm 2023, và đạt 501 nghìn lượt năm 2024, tăng 2,6 lần chỉ sau 2 năm và hiện nay xếp ở vị trí thứ 6 các thị trường gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam. Có thể nói Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất, góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.
Về động lực tăng trưởng, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế năm 2024. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 214,4% so với năm 2023, Hàn Quốc (+27,1%), Nhật Bản (+20,7%), Đài Loan (+51,4%).
Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (+74,7%), Philippines (+73,6%), Lào (+23,3%), Campuchia (+18,0%), Malaysia (+5,4%) Singapore (+5,9%). Riêng thị trường Thái Lan giảm 14,5%.
Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+20,8%), Pháp (+29,4%), Đức (+24,5%). Bên cạnh đó là Italy (+55,8%), Tây Ban Nha (+20,1%), Nga (+84,9%), Đan Mạch (+22,1%), Na Uy (+23,0%), Thụy Điển (+33,0%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023.
Về mức độ phục hồi so với năm 2019, xét theo khu vực, thị trường châu Úc cao vượt so với mức năm 2019 – đạt 125%; châu Mỹ đạt mức 103%. Châu Á gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%. Châu Âu phục hồi 92%.
Sự phục hồi của các thị trường nguồn châu Á được dẫn dắt bởi thị trường lớn Hàn Quốc với mức phục hồi 106%, Đài Loan đạt mức 139%. Bên cạnh đó, Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 297% so với trước dịch; tương tự là Campuchia đạt mức 208%. Một số thị trường ở Đông Nam Á phục hồi rất tốt: Indonesia đạt mức 173%, Lào đạt mức 151%, Philippines đạt mức 148%, Singapore đạt mức 112%.
Tuy nhiên, sự phục hồi của khu vực châu Á chậm lại do thị trường truyền thống Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 64%, Nhật Bản đạt 75%. Thái Lan và Malaysia cùng đạt mức phục hồi 82%.
Ở Châu Âu, các thị trường chính như Tây Ban Nha đạt mức 109%, Ý đạt mức 126%, Đức đạt mức 110%. Anh và Pháp gần phục hồi hoàn toàn (97%). Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đã vượt mức năm 2019, đạt mức 105%, Úc đạt mức 128%.
Đối với du lịch nội địa, lượng khách du lịch nội địa tháng 12/2024 ước khoảng 5,0 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,3 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa năm 2024 ước khoảng 110,0 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong năm 2024 ước khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Tập trung mở rộng thị trường tiềm năng, khai thác thị trường mới
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, có được kết quả trên là nhờ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, phát huy cơ chế hợp tác công – tư để triển khai thành công các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, tập trung vào các nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Úc, Nga, Pháp… cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá trên nền tảng số đến các thị trường mục tiêu của Việt Nam, triển khai quảng bá du lịch Việt Nam trên CNN – kênh truyền hình nổi tiếng toàn cầu. Đây chính là động lực để toàn ngành du lịch Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.
Năm 2025, ngành Du lịch sẽ tập trung vào việc khai thác sâu hơn các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, tăng cường liên kết với các hãng hàng không để mở thêm đường bay thẳng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quảng bá và xúc tiến du lịch.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Hồ An Phong chỉ đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung vào hai nhiệm vụ chiến lược là quản lý và quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời tham mưu cấp trên sửa đổi Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phù hợp với tình hình mới.
Tin liên quan: