Nếu xăng vẫn sắp tăng “nóng”, có cách nào hạ nhiệt?

 Ở kịch bản khi giá dầu biến động mạnh lên 130 USD/thùng, 150 USD/thùng thì một số đề xuất có thể được đưa ra như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT… thậm chí tính toán tới các gói an sinh.

Như Dân trí đưa tin, ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với hiện hành; riêng mức thuế với dầu hỏa giảm đến 70%. Kể từ 1/4 đến 31/12, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia đều dự báo giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng (Ảnh: Ip Thiên).

Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy giá xăng dầu vẫn còn những biến động phức tạp. Vậy ở kịch bản giá vẫn còn tăng “nóng” thì việc điều hành giá mặt hàng này sẽ ra sao để giảm áp lực lên lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp?

Trả lời câu hỏi này tại tọa đàm về xăng dầu do báo Công Thương mới tổ chức, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết vẫn phải tính những kịch bản dài khác.

Cụ thể như ở kịch bản khi giá dầu biến động mạnh lên 130 USD/thùng, 150 USD/thùng thì Bộ đề xuất đưa ra đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT… Ngoài ra, theo ông Đông, có tính đến các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu hay người sử dụng xăng dầu. Về dự trữ quốc gia, ông Đông cho biết hiện chúng ta đã có tiềm lực về tài chính, cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối.

Ông Đông dẫn chứng, thời gian qua, một số nước rất linh hoạt trong vấn đề này. Chẳng hạn như Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu và dự trữ quốc gia, có chiến lược 10 năm, nhờ mua dầu thô giá rẻ và bơm ra thị trường, qua đó vừa lợi về kinh tế, vừa là công cụ điều tiết thị trường.

Giá xăng dầu sẽ còn tăng, nên điều chỉnh lại cách thu thuế

Ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – chia sẻ thêm, hiện việc dự báo giá xăng dầu rất khó vì phụ thuộc vào yếu tố địa chính trị, nguồn cung, thời tiết… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia đều dự báo giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng, ông Khanh cho hay. Đơn cử trong tháng 3, thời cao điểm, giá xăng đã tăng lên đến 130 USD/thùng. Khi có thông tin Nga – Ukraine có thể ký được hiệp định hòa bình, giá dầu đã ngay lập tức giảm còn 99 USD/thùng.

“Tuy nhiên, hôm qua, giá dầu lại lên đến 116 USD/thùng. Do đó, diễn biến của giá xăng dầu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”, ông Khanh lo ngại.

Theo ông Khanh, khi giá thế giới biến động mạnh, chúng ta chỉ có thể dùng 2 công cụ: quỹ bình ổn giá và thuế. Thời gian vừa qua, các cơ quan đã sử dụng phần lớn quỹ bình ổn để kiềm chế giá trong thời gian nhất định.

Đối với biện pháp chính sách về thuế, Hiệp hội xăng dầu kiến nghị với Bộ Tài chính trên cơ sở sắc thuế hiện nay là 8% với xăng, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt nên tính toán, xem xét thu theo thuế tuyệt đối như thuế bảo vệ môi trường.

Ông Khanh nói thêm, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng, gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên giá không được tăng thì doanh nghiệp thiệt, còn giá tăng thì người dân vất vả nên cần linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu.

“Chúng ta không nhất thiết phải giữ 10 ngày, có thể là 2 ngày. Nghị định 95 cũng cho phép giảm thời gian điều hành. Khi thị trường bất thường, chúng ta có thể rút ngắn thời gian điều hành. Điều này có 2 lợi ích. Thứ nhất là tạo tâm lý cho các thương nhân đầu mối khi nhập khẩu xăng dầu. Trong thời gian vừa rồi, các đầu mối cứ nhập hàng về thì giá lại tăng và người ta bị lỗ.

Việc rút ngắn thời gian điều hành giá có thể giúp các cửa hàng kinh doanh an tâm, thời gian lỗ được rút ngắn. Thứ hai, tạo tâm lý cho người tiêu dùng, giá tăng ở mức độ người tiêu dùng có thể chấp nhận được”, ông Khanh phân tích.