Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ 25/11

Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ được tổ chức vào ngày 25/11 hàng năm, đây là ngày do Liên Hợp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức công chúng về việc loại bỏ bạo hành đối với phụ nữ trên toàn thế giới.

Nguồn gốc ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ

Ngày 17/12/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 25/11 hàng năm là Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ (Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp Quốc số 54/134). Liên Hợp Quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới tổ chức các hoạt động vào ngày này để nâng cao ý thức mọi người về tình trạng bạo hành với phụ nữ như “mãi dâm cưỡng bách”, “lạm dụng tình dục”, “du lịch tình dục”, “cưỡng hiếp”, “cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ”, “bạo hành trong gia đình”, “hôn nhân cưỡng bách”,…

Năm 1993, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một bản Tuyên ngôn về loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ, trong đó định nghĩa thuật ngữ bạo hành với phụ nữ như sau: “Mọi hành vi bạo lực dựa trên giới tính, có thể hoặc thực sự gây ra những thiệt hại thể xác, tính dục hoặc tâm lý, kể cả những đe dọa, cưỡng ép hay ngăn cấm cách độc đoán quyền tự do, dù công khai hay trong tư gia”.

xoabobaoluc

Ý nghĩa của ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ

Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát năm 1960 tại Cộng hòa Đôminíc. Là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Trong ngày này, các hoạt động tuyên truyền là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và cộng đồng hiểu biết các vấn đề cơ bản và ý nghĩa việc phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình.

Các hoạt động trong ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ

Vấn đề bạo lực trong gia đình cùng là một vấn đề nan giải. Những bất công bất bình đẳng đối với phụ nữ vẫn xảy ra ở nhiều nước. Những hành động bạo lực đối với phụ nữ cần được xã hội lên án và loại bỏ. Sự bất bình đẳng giới cần phải xóa tan ngay để xã hội phát triển. Chúng ta cần đấu tranh chống bạo lực gia đình và bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Có như vậy phụ nữ mới được sống trong hạnh phúc và có điều kiện phát triển toàn diện.

– Ở Việt Nam, các hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vẫn được đẩy mạnh.

– Tuyên truyền Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 – 2022 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

– Kết hợp tuyên truyền các chức năng gia đình vào các tiêu chí gia đình văn hóa, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy các giá trị truyền thống gia đình, xây dựng và củng cố gia đình văn hóa ở khu dân cư gắn kết trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.

Hưởng ứng “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ”, các hoạt động tuyên truyền bảo vệ phụ nữ ngày càng phát triển. Chúng ta cùng kêu gọi những thông điệp ý nghĩa để các vấn đề bạo lực sớm được chấm dứt:

– Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em.

– Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật.

– Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được tố giác và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

– Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình.

– Yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

– Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền.

– Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình.

– Trẻ em chứng kiến hoạc bị bạo lực gia đình, khi trưởng thành có nguy có gây bạo lực với người khác cao gấp 3 lần những trẻ em khác.

– Nạn nhân bạo lực gia đình cần nâng cao ý thức phòng ngừa và kịp thời tìm đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để được tư vấn, hỗ trợ.

– Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho tiến bộ xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Tin liên quan: