Theo Bộ Y tế, nguyên nhân là do: nhiều nơi chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: Trần Minh/Bộ Y tế
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, tới công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh.
Bà Hương cho biết xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhận định nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…
Về vấn đề này, Bộ Y tế đã họp trực tuyến để lắng nghe, tiếp thu tất cả các ý kiến thảo luận của các bệnh viện trực thuộc Bộ, các Sở Y tế về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương và bàn về các giải pháp Bộ Y tế đã triển khai.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quan tâm, nỗ lực giải quyết theo thẩm quyền vấn đề này; báo cáo lãnh đạo Bộ để Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ ngành liên quan từng bước tháo gỡ vướng mắc những nội dung cần phối hợp. Nội dung nào vượt thẩm quyền, Bộ Y tế sẽ cùng các bộ, ngành liên quan báo cáo cấp trên xem xét.
Riêng về Thông tư 14 “Quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập”, đang được các bệnh viện và địa phương quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Vụ Trang thiết bị và công trình y tế tiếp thu, có văn bản hướng dẫn cụ thể, trao đổi lại với các đơn vị, các địa phương.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo công tác chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng…, không để “dịch chồng dịch”. Song song với đó, các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, không để lãng phí vaccine.
“Tất cả các địa phương cần đảm bảo mọi người dân trong đối tượng tiêm chủng phải được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong trường hợp địa phương nào không tiếp nhận vaccine như đã được phân bổ hoặc điều chuyển vaccine cần có văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ”- bà Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế, thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, 21/39 BV tuyến Trung ương và 2 BV trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 BV tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Có 26/34 Sở Y tế và 15/21 BV tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.
Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 BV tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.
Tin liên quan: