Nhiều địa phương bùng phát dịch có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cao

Số ca nhiễm nCoV tại Việt Nam có xu hướng tăng tại hầu hết tỉnh, thành, đặc biệt lan rộng ở khu vực phía Nam và Hà Nội.

Trong ngày 15/12, thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước ghi nhận thêm 15.527 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Số ca mắc tăng 319 người so với ngày trước đó, ghi nhận tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.940 ca trong cộng đồng). Như vậy, số lượng F0 tại nước ra vẫn gia tăng, chưa có dấu hiệu giảm.

Hà Nội ghi nhận số F0 kỷ lục

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 15/12, thành phố ghi nhận 1.357 trường hợp nhiễm nCoV. Trong đó, các bệnh nhân được ghi nhận tại cộng đồng (611), khu cách ly (609), khu phong tỏa (137).

Đây cũng là số lượng người dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Kỷ lục trước đó được xác lập ngày 14/12 với 900 F0.

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 21.467 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 8.223 ca, số mắc đã được cách ly là 13.244 ca.

Hà Nội đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở tiếp nhận và 27 cơ sở tiếp nhận theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 91,79% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, dự báo: “Tôi cho rằng tình hình dịch và số ca nhiễm tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, thành phố cũng cần sớm kiểm soát tình hình, không để số ca tăng cao hơn nữa”.

Ông cho rằng khi số ca mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ. Lúc này, nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong sẽ tăng cao.

“Tất nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao, đa số người nhiễm nCoV tại Hà Nội sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Dẫu vậy, khi các cơ sở y tế quá tải, việc số lượng người diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói thêm.

TP.HCM vẫn nằm trong nhóm những địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất cả nước. Trong ngày 15/12, thành phố này ghi nhân 1.270 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tích lũy trong đợt dịch thứ 4 lên 490.435 người.

Trước đó, ngày 14/12, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron tại địa phương. Mục tiêu là triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập và phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron tại thành phố.

Dịch ở khu vực phía Nam chưa hạ nhiệt

Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Cà Mau tăng nhanh, đặc biệt trong ngày 14/12, địa phương ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm, đứng đầu cả nước; ngày 15/12 thêm 1.072 ca. Trung bình số ca nhiễm mới ghi nhận trong 7 ngày qua tại Cà Mau là 830 ca/ngày.

Theo báo Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau,​ cho biết nguyên nhân số ca nhiễm tăng cao chủ yếu chính là sự lơ là, chủ quan của người dân, không thực hiện quy định, nhất là 5K, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, tập trung đông người. Trong đó, có cả một bộ phận đảng viên và một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu chưa thật sự nghiêm túc

Tiến độ tiêm vaccine vẫn chưa phủ khắp địa phương này. Hiện nay, toàn tỉnh phủ mũi 1 trên 97%, mũi 2 đạt 89%. Như vậy, hơn 2% người dân chưa tiêm vaccine, người từ 11 tuổi trở xuống chưa có chủ trương tiêm. Ðó cũng là lý do những ngày gần đây, F0 dưới 11 tuổi khá nhiều, người bệnh nền chưa tiêm cũng tăng.

Ngoài ra, do cơ sở y tế, năng lực của đội ngũ nhân viên y tế còn hạn chế, một số chưa đáp ứng được yêu cầu trong xét nghiệm, điều trị. UBND tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh vấn đề này. Việc kiểm tra nhắc nhở, xử phạt, nhất là những người không chấp hành tốt các quy định, cố tình vi phạm, chống đối còn hạn chế, mặc dù đã tăng cường nhưng chưa thật sự quyết liệt.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre, từ 11h đến 18h ngày 15/12, tỉnh ghi nhận thêm 170 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc trong ngày là 1.121 ca. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn tỉnh là 17.903 ca.

Trong ngày, tỉnh này cũng có 320 ca F0 kết thúc điều trị và 3 ca tử vong. Bến Tre đã ghi nhận 96 ca tử vong và 8.324 ca F0 kết thúc điều trị. Trong 170 ca dương tính vừa ghi nhận, có 169 ca cộng đồng và 1 ca khu cách ly.

Theo Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, ngày 15/12, Tây Ninh ghi nhận 869 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua test sàng lọc, tăng 2 ca so với ngày 14/12. Tỉnh này cũng có 1.647 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi từ đầu mùa dịch đến nay lên 53.703 người.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 17.950 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong ngày, 9 ca tử vong; luỹ kế, số ca tử vong do Covid-19 đến ngày 15/12 là 441 ca. Tây Ninh hiện có 1.185 người cách ly tập trung và 24.171 người cách ly tại nhà.

Đến nay, Tây Ninh cũng đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine Covid-19 lên tới 96,92%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 88,78%.

Trước tình hình dịch phức tạp, UBND tỉnh kêu gọi người dân và toàn xã hội không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và tích cực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, quét mã QR tại các địa điểm.

Vẫn cần cảnh giác dù đã tiêm đủ liều vaccine

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 14/12, có 568.806 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 135.202.794 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.140.181 liều, tiêm mũi 2 là 59.003.177 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.059.436 liều.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của cơ quan này. Cơ quan này đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.

Theo thống kê từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 liều trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt, các địa phương đang bùng phát dịch có độ phủ vaccine mũi 2 rất cao (Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long,…).

Tuy nhiên, sự chệnh lệch về tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine tại các tỉnh, thành phố còn khá lớn. Môt số tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp, dưới 50% như Thái Bình, Nam Định, Sơn La.

Nhiều người đặt vấn đề vì sao các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm phủ vaccine đủ 2 mũi cao nhưng số ca mắc vẫn chưa giảm, liệu các địa phương đã đạt miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ phủ vaccine cao hay chưa?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng hiện tại, nơi có độ phủ vaccine cao như ở TP.HCM vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.

Nguyên nhân là miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi tỷ lệ tiêm chủng cao và thực hiện tốt 5K (Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tập trung – Khai báo y tế).

Ông cho rằng các địa phương cần giảm tối thiểu sự lây lan của dịch Covid-19 thông qua tiêm chủng đầy đủ và thực hiện 5K nghiêm túc.

“Khác với miễn dịch cộng đồng ở các bệnh truyền nhiễm khác, nếu tiêm đủ vaccine thì có thể tự do làm mọi thứ, còn với Covid-19, chúng ta vẫn phải tiếp tục rất cảnh giác dù tiêm đủ vaccine”, ông nói thêm.

Ngày 1/12, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và hướng dẫn dẫn các địa phương triển khai tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, sau 2 tuần, TP.HCM mới là địa phương duy nhất thực hiện.

Ngày 14/12, Sở Y tế Hải Phòng cũng đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó có hướng dẫn triển khai tiêm mũi bổ sung và nhắc lại.

Về mũi vaccine bổ sung, thành phố sẽ tiêm cho nhóm từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người trên 50 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…).

>> Xem thêm: Nguyên nhân khiến số ca F0 tại Việt Nam cao