Theo các chuyên gia nhi khoa, nhiều trẻ nhỏ mắc Covid-19 không có triệu chứng nhưng sau 2-3 tuần trẻ lại nguy kịch vì di chứng của Covid-19.
Hội chứng MIS-C
BS.CK2 Trương Cẩm Trinh – BV Nhi đồng Cần Thơ – cho biết hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận khác nhau trên cơ thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. MIS-C có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong sau 2 – 4 tuần nhiễm Covid-19.
Ngày 26 tháng 4 năm 2020, các bác sĩ lâm sàng ở Anh đã ghi nhận ngày càng nhiều báo cáo về những đứa trẻ trước vốn khỏe mạnh bỗng mắc hội chứng viêm nặng với các đặc điểm giống bệnh Kawasaki.
Các trường hợp này phát hiện xảy ra ở trẻ em hậu nhiễm Covid-19, hoặc có dịch tễ tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Bệnh nhân có biểu hiện sốt dai dẳng và một loạt các triệu chứng bao gồm hạ huyết áp, liên quan đến đa cơ quan (ví dụ: tim, tiêu hóa, thận, huyết học, da liễu và thần kinh) và các dấu hiệu viêm tăng cao, tuy nhiên các triệu chứng hô hấp không xuất hiện trong tất cả các trường hợp.
Vào đầu tháng 5 năm 2020, Sở Y tế Thành phố New York nhận được báo cáo 15 trẻ em từ 2-15 tuổi mắc hội chứng viêm đa hệ thống và phải nhập viện để được chăm sóc đặc biệt. Tính đến ngày 12 tháng 5 năm 2020, Bộ Y tế Bang New York đã xác định có 102 bệnh nhân mắc hội chứng trên. Nhiều quốc gia khác cũng báo cáo về các trường hợp tương tự.
BS Trinh cũng cho biết tại Bệnh Viện Nhi Đồng Cần Thơ từ giữa tháng 1/2022 đến nay đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) nặng. Do đó các phụ huynh cần có kiến thức về hội chứng hậu Covid-19 này.
ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai – cho biết vài tháng nay, viện tiếp nhận khám và điều trị hậu Covid-19 cho khoảng 50 ca trong đó có 4 bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.
BS Nghĩa cho biết điều đáng lưu ý là nhiều bệnh nhi lúc còn là F0 dương tính thì chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng khoảng 2-3 tuần sau khi âm tính, bé lại phải nhập viện với nhiều triệu chứng hậu Covid-19. Xét nghiệm cho thấy tình trạng bệnh của các bé đều nặng mà người nhà không hề hay biết. Khi chụp chiếu, xét nghiệm thì mới phát hiện bé đã bị tổn thương phổi, tim, thận, bị sốc tim, suy tim, viêm cơ tim…
Vẫn phải phòng bệnh cho trẻ em
BS Ngô Đức Hùng – Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai – cũng cho biết vấn đề hậu Covid-19 hiện tại mới chỉ bắt đầu. Virus chỉ mới xuất hiện 2 năm nên sẽ cần phải mất thêm nhiều năm nữa để hiểu hết về nó.
Hiện tại, các trung tâm lớn trên thế giới đã phát cảnh báo về Covid-19 ở trẻ em. BS Hùng khuyến cáo vẫn cần phải cố gắng thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không nên nghĩ rằng bệnh nhẹ, nhiễm sẽ không sao. Trẻ nhỏ, người lớn đến lượt tiêm vắc xin thì nên tiêm vắc xin, không nên chờ đợi hay nghe theo các thông tin sai lệch mà anti vắc xin.
TS BS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Nhi Trung ương – cũng cảnh báo mặc dù trẻ mắc Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn hoặc gần như không có triệu chứng, hậu quả sau mắc có thể vô cùng nặng nề. Lý do là phản ứng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus có thể gây ra hội chứng MIS-C.
TS Tuấn cho biết hầu như tuần nào các bác sĩ cũng gặp các bệnh nhân nặng vì hội chứng MIS-C. Các cháu chưa được tiêm phòng và mắc Covid-19 nhưng hoàn toàn không có dấu hiệu. Gia đình cũng không biết trẻ mắc khi nào, chỉ đến khi vào viện, bác sĩ cho xét nghiệm kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2, trẻ mới được đoán đã từng bị mắc Covid-19.
TS Tuấn cảnh báo khi tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng thì tỷ lệ trẻ bị hội chứng này cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, TS Tuấn khuyến cáo phụ huynh hết sức lưu ý cũng như cố gắng phòng bệnh cho con.
Theo BS Trinh, hội chứng MIS-C ở trẻ em mắc Covid-19 hiếm gặp, xảy ra chủ yếu 2 – 6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, nhưng thường diễn tiến nặng, có thể gây tử vong.
Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan (MIS-C) được chẩn đoán khi có các tiêu chuẩn sau:
– Sốt ≥ 3 ngày
– Có 02 trong các dấu hiệu sau:
Ban đỏ, xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân;
Hạ huyết áp hoặc sốc;
Suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành xác định qua siêu âm, tăng proBNP, Troponin;
Rối loạn đông máu (PT, APTT, D-dimer cao);
Rối loạn tiêu hóa cấp tính (ỉa chảy, đau bụng, nôn);
Trẻ có bằng chứng của nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 trong vòng 2-6 tuần (XN Real-time RT-PCR hoặc kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính.)
Tin liên quan: