Sự phi thường của những cô gái bé nhỏ

Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ là những cô gái nhỏ nhắn, nhưng lại nắm giữ kỷ lục ở các nội dung khắc nghiệt của môn điền kinh.

Người hâm mộ điền kinh Việt Nam vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh Nguyễn Thị Oanh gục ngã ở vạch đích khi về nhất ở chung kết 3.000 m chướng ngại vật (CNV) hay Phạm Thị Hồng Lệ phải truyền nước khi hoàn thành phần thi marathon tại SEA Games 2019.

Những cô gái chỉ cao chưa đến 1,6 m đó đang là niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á trên sân nhà vào tháng 5 tới.

Phá bỏ giới hạn

Nguyễn Thị Oanh là vận động viên điền kinh thành công nhất của đoàn Việt Nam tại SEA Games 30 khi giành 3 HCV, phá một kỷ lục Đại hội ở nội dung 3.000 m chướng ngại vật với thời gian 10 phút 0 giây 02 (10:00.02). Năm đó, Oanh xuất sắc được bình chọn là Vận động viên tiêu biểu toàn quốc.

“Tôi thích nội dung chướng ngại vật nhất. Đúng như cái tên, trong tập luyện, thi đấu và cuộc sống, mỗi chướng ngại vật đều phải cố gắng kiên trì và mạnh mẽ để vượt qua. Trong thi đấu cũng vậy, để vượt qua mỗi chướng ngại vật, tôi đều phải dùng sức mạnh lớn hơn bình thường. Khi cảm giác mình vượt qua những chướng ngại vật rồi, tuy có thể kiệt sức, mệt mỏi, đổ ngã nhưng lúc đó tôi rất hạnh phúc vì đã vượt qua được nó”, Oanh chia sẻ.

Cô gái nhỏ nhắn với biệt danh “Ốc tiêu” đã khiến người hâm mộ thán phục khi thâu tóm 3 HCV dù lịch thi đấu có phần bất lợi, phải thi 2 nội dung trong cùng một ngày.

Oanh với những bước chạy không biết mệt mỏi. Ảnh: Thế Anh.

Đam mê với điền kinh từ nhỏ, nhưng có lúc Oanh tưởng chừng phải nghỉ thi đấu do mắc bệnh, bị teo cơ và sút còn 44 kg. Bác sĩ đã yêu cầu Oanh dừng tập luyện, nhưng tình yêu mãnh liệt với điền kinh thôi thúc cô xỏ giày, tiếp tục chạy. Sau những nỗ lực, Oanh đã trở lại rồi có tên trong đội tuyển quốc gia và đem vinh quang về cho tổ quốc.

“Khi biết phải dừng tập luyện, tôi rất buồn. Cảm giác như thiếu đi một hương vị gì đó trong cuộc sống. Môn này rất vất vả nhưng khi không còn tập luyện và theo đuổi nó nữa, tôi cảm thấy trống vắng rất nhiều. Thế nên chắc là từ đó, tình yêu tôi dành cho điền kinh là rất lớn”, Oanh chia sẻ.

“Khi cảm thấy bản thân mệt mỏi hay chán nản, tôi luôn nhìn vào những tấm gương khó khăn hơn mình, những người phải dùng nghị lực nhiều hơn mình. Tôi thấy những vận động viên khuyết tật, họ còn không đủ sức khỏe như mình, thiếu thốn nhiều mặt, cả về hình thể hay thể lực mà họ vẫn có thể vượt qua, tập luyện, thi đấu giành thành tích cao. Từ đó, tôi nghĩ họ làm được thì mình cũng làm được. Tôi đã lựa chọn điền kinh rồi thì phải dành trọn tình yêu cho nó, sống hết mình, cháy hết mình với đam mê”.

Đồng đội của Oanh trên tuyển là Phạm Thị Hồng Lệ cũng để lại nhiều dấu ấn với ý chí quyết tâm phi thường. Trong những ngày hè nóng bức tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn), khi đồng đội còn đang say giấc, Lệ đã dậy từ 3h để chuẩn bị đồ đạc rồi ra sân tập.

“Thực đơn” mỗi buổi tập của cô gái quê Bình Định là khoảng 15-20 km. Lệ thậm chí chỉ cần ăn một chiếc bánh ngọt và uống một cốc sữa để hoàn thành giáo án.

Việc tập luyện một trong những nội dung khắc nghiệt nhất của môn điền kinh khiến Hồng Lệ có những trải nghiệm khó quên. Đó là những lần bị chuột rút, nôn khan hay ngã quỵ vì kiệt sức.

“Tôi bị ít nhất 2 lần, ở SEA Games 30 và gần nhất là hôm tập luyện. Hôm đó, tôi chạy 30 km, thời tiết hơi oi. Khi tập xong trạng thái cũng bình thường. Lúc đi bộ thả lỏng thì choáng dần, đầu óc quay cuồng, bị chuột rút rồi ngã dần. Sáng hôm đó tôi có phần chủ quan khi chạy 30 km mà không nạp gel dù đã mang theo”, Hồng Lệ nhớ lại.

“Đợt SEA Games, đầu óc tôi vẫn tỉnh táo một chút, chỉ là mệt quá không muốn mở mắt ra được nữa. Nhiều khi chúng tôi vẫn phải cố vì thi đấu với màu cờ sắc áo. Tôi phải cố nhiều lắm chứ. Nếu không, hôm đó tôi đã bỏ cuộc từ lâu rồi mà không đạt được giải”, Hồng Lệ nói về sự nỗ lực để giành tấm HCĐ marathon.

Hồng Lệ với tấm HCĐ đáng nhớ tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến.

Những niềm hy vọng vàng

Trong 2 năm dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh, khiến điền kinh Việt Nam chủ yếu tập chay, không thể tham dự các giải quốc tế, Oanh vẫn tỏa sáng. Cô phá kỷ lục nội dung 10.000 m nữ đã tồn tại 17 năm ở giải vô địch quốc gia với thời gian 34 phút 8 giây 54, hơn kỷ lục cũ của đàn chị Đoàn Nữ Trúc Vân tới 40 giây.

Giải vô địch quốc gia 2020 cũng chứng kiến sự vượt trội của Oanh “ỉn” với 4 tấm HCV ở 4 nội dung tham dự. Ba nội dung còn lại cô về nhất là 1.500 m, 5.000 m và 3.000 CNV.

Và rồi một năm sau đó, Oanh phá thêm kỷ lục khác của Trúc Vân. Cô gái sinh năm 1995 chứng tỏ sức mạnh ở đường chạy 5.000 m khi cán đích đầu tiên với thời gian 15 phút 53 giây 48. Thành tích của Oanh phá sâu kỷ lục tồn tại 18 năm của Trúc Vân, lập năm 2003 với thời gian 16 phút 12 giây 73. Oanh cũng trở thành nữ vận động viên đầu tiên của Việt Nam chạy 5.000 m dưới 16 phút.

“Đây là niềm vui khó tả, kết quả tập luyện miệt mài của thầy trò tôi trong chặng đường vừa qua. Sáng thi 1.500 m xong, sức khỏe của tôi đã bị ảnh hưởng phần nào. Đến buổi chiều, tôi phải phân phối sức hợp lý nhất, để không bị quá ngợp ở khoảng cách nào đó trên một chặng đường. Khi đến những vòng cuối, tôi càng quyết tâm hơn dù kiệt sức. Tôi xóa tan suy nghĩ muốn buông xuôi khi bản thân đã nỗ lực và chỉ còn cách đích một đoạn”, Oanh chia sẻ.

Cũng tại giải đấu trên sân Mỹ Đình cuối tháng 12/2021, Hồng Lệ đã phá kỷ lục của Oanh ở nội dung 10.000 m nữ. Oanh đã rút lui trước giờ thi đấu. Không có sự góp mặt của Oanh, thiếu đi đối thủ tạo áp lực, nhưng Hồng Lệ vẫn băng băng về đích để lập kỷ lục mới với thời gian 34 phút 1 giây 59. Cô gái nhỏ bé gục ngã ngay khi cán đích và phải nhờ đến sự chăm sóc của huấn luyện viên, đồng đội.

Sự vươn lên của Hồng Lệ ở nội dung này cũng giúp ban huấn luyện điền kinh Việt Nam có thêm tính toán cho SEA Games 31. Nhiều khả năng, Oanh sẽ dồn sức thi đấu 3 nội dung 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m chướng ngại vật tại kỳ Đại hội trên sân nhà vào tháng 5 tới. Trong khi đó, Hồng Lệ bỏ nội dung marathon, tập trung cho 5.000 m và 10.000 m.