Trưng bày chuyên đề ‘Bút sắc, lòng son’

Sáng 16/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc trưng bày chuyên đề "Bút sắc, lòng son". Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025) và hướng tới chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025).

Trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son'- Ảnh 1.

Các đại biểu dự Khai mạc. Ảnh: VGP

Chuyên đề “Bút sắc, lòng son” gồm ba nội dung: Trong chốn lao tù, “Bút sắc, lòng son”, gắn kết yêu thương. Công chúng sẽ được xem các tư liệu, hiện vật, hoạt cảnh kể lại những câu chuyện đầy cảm động của các tù chính trị tại Hỏa Lò, những con người dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn ngời sáng ý chí đấu tranh.

Ở nội dung đầu tiên-“Trong chốn lao tù”, Ban Tổ chức giới thiệu hình ảnh một số nhà tù mà kẻ thù từng sử dụng để giam giữ các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Đó là Nhà tù Hỏa Lò được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896; Nhà tù Côn Đảo xây dựng năm 1862; Khám Lớn ở Sài Gòn (TPHCM) – biểu tượng cho nền thống trị trực tiếp của thực dân Pháp ở Nam Kỳ; Trại giam Chín Hầm – nơi chính quyền Ngô Đình Diệm dùng để tra tấn, thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng từ năm 1954 – 1963; Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp lập năm 1930.

Trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son'- Ảnh 2.

Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: VGP

Ở nội dung thứ hai – “Bút sắc, lòng son”, trưng bày giới thiệu 10 chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã dùng ngòi bút để phản ánh hiện thực cuộc sống, sự tàn khốc của chế độ nhà tù và lòng yêu nước thiết tha.

Đó là câu chuyện của nhà văn hóa, nhà báo, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900-1943) với những vần thơ đầy tinh thần đấu tranh tại Khám Lớn Sài Gòn và Nhà tù Côn Đảo: Sống mà vô dụng, sống làm chi/Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?/Sống trái đạo người, người thêm tủi/ Sống quên ơn nước, nước càng khi…

Câu chuyện của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932) với những sáng tác trong xà lim Hỏa Lò. Trước khi hy sinh, ông viết bài thơ “Tạ từ” tặng mẹ: Hồn còn mang nặng lời thề/Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây!/Tạ từ vĩnh quyết từ đây/ Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn!

Hay câu chuyện cảm động về đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 – 1944) với bài thơ “Nhắn bạn” gửi lại trước khi bị thực dân Pháp hành quyết tại Hỏa Lò: Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/Chí còn theo đuổi mộng tung hoành/Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu/Trước sau xin giữ tấm lòng thành…

Bên cạnh nội dung trưng bày là hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về đồng chí Phạm Hướng, cán bộ Đoàn chuyên trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội bị bắt, giam tại Hỏa Lò năm 1949-1950. Khán giả xúc động trước khoảnh khắc hội ngộ đầy nước mắt giữa đồng chí Phạm Hướng và bạn tù, và phút giây nghẹn ngào gặp người thân trong lần thăm nuôi ngắn ngủi trước khi bị đày ra Côn Đảo.

Trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” là những câu chuyện cảm động về các chiến sĩ cách mạng đã dùng tài năng và sáng tạo biến những lá thư, bài thơ, trang viết thành vũ khí đấu tranh sắc bén, vượt qua xiềng xích tăm tối. Tinh thần và ý chí ấy tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng về lòng dũng cảm và trách nhiệm với Tổ quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin liên quan: