Tình trạng đau lưng có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi đi kèm với một số triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, ợ chua hay tê, ngứa ran.
Mọi người đều gặp phải tình trạng đau lưng tại một số thời điểm trong cuộc đời. Trong khi đau lưng có thể bắt nguồn từ việc đơn giản như cúi người xuống hoặc nâng đồ không đúng cách tại nhà hay phòng tập thể dục, nó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy điều gì đó nghiêm trọng hơn đang xảy ra trong cơ thể.
Nguyên nhân
Nhiều tình trạng đau lưng phát triển không có nguyên nhân cụ thể buộc bác sĩ phải xác định bằng xét nghiện hoặc chụp X-quang hình ảnh. Các tình trạng thường liên quan đau lưng bao gồm:
Cơn đau cũng ảnh hưởng chân, hông và mông
Theo Insider, đôi khi một động tác kéo căng cơ đơn giản cũng có thể khiến bạn bị đau nhức trong vài ngày. Tiến sĩ Allen Conrad, Giám đốc Trung tâm thần kinh cột sống quận Montgomery, Pennsylvania (Mỹ), cho biết nếu cơn đau kéo dài kèm đau chân, hông dữ dội, bạn có thể bị thoát vị đĩa đệm.
Tiến sĩ Conrad nói với Insider: “Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi chất giống như thạch giữa các đốt sống ở lưng bị lệch. Điểm yếu ở hông, chân, mông hoặc cơ của bàn chân có thể khiến đĩa đệm đốt sống bị tổn thương, chèn ép dây thần kinh tọa, gây ra các triệu chứng này”.
Nhiễm trùng thận
Ngoài các triệu chứng giống cảm cúm, nhiễm trùng thận cũng có thể gây đau lưng dai dẳng. Tiến sĩ Conrad giải thích: “Cơn đau này thường liên quan vùng hạ sườn của lưng ở hai bên. Cơn đau có thể đến đột ngột hoặc tăng dần theo thời gian. Ngoài ra, cơn đau quặn có thể kèm theo đau nhói nếu bạn ấn vào hai bên vùng lưng ở gần thận”.
Bạn bị ợ chua kèm đau lưng
Khi axit dạ dày trào ngược vào thực quản, lớp niêm mạc của thực quản có thể bị kích thích. Tình trạng này còn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), có thể gây ợ chua. Tiến sĩ Conrad cho biết điều này có thể gây đau và cứng từ vùng trên đến giữa lưng.
Bạn bị tê, ngứa ran và cảm giác nóng rát
Nếu gặp phải cảm giác này ở lưng hoặc chân, đây có thể là triệu chứng của đau dây thần kinh. Những dấu hiệu này cảnh báo bạn có thể đã bị chấn thương đĩa đệm đốt sống, sau đó chèn ép dây thần kinh tọa gây đau.
Kèm đau ngực
Mặc dù không phải lúc nào nó cũng biểu hiện theo cách này, tiến sĩ Conrad cho biết tình trạng tim hoặc tắc nghẽn tim mạch tiềm ẩn có thể gây đau ở giữa vùng lưng trên hoặc đau cánh tay. Nếu bạn nghi ngờ cơn đau lưng của mình có liên quan vấn đề tim mạch, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được kiểm tra kỹ lưỡng.
Kèm sốt, ớn lạnh
Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, chẳng hạn viêm màng não, nhiễm trùng khoang ngoài màng cứng xung quanh tủy sống. Áp xe ngoài màng cứng cột sống có thể xảy ra ở những người bị mụn nhọt, nhiễm trùng máu hoặc xương cột sống và người mới phẫu thuật lưng. Người sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch cũng tăng nguy cơ bị áp xe ngoài màng cứng tủy sống.
Có tiền sử ung thư
Nếu bạn đang hoặc đã từng bị ung thư, đau lưng có thể là dấu hiệu tái phát hoặc di căn khi ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Đau lưng trở nên trầm trọng hơn trong vài tháng, sụt cân không rõ nguyên nhân. Đau lưng vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Một số loại ung thư đặc biệt có khả năng gây áp lực lên cột sống. Chèn ép tủy sống là biến chứng phổ biến của ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư phổi và ung thư xương di căn.
Cách phòng ngừa
Theo Medical News Today, một số yếu tố rủi ro gây đau lưng có thể ngăn ngừa bằng nhiều biện pháp cụ thể.
Tập thể dục: Tập luyện thường xuyên giúp xây dựng sức mạnh và kiểm soát trọng lượng cơ thể. Các hoạt động như yoga, aerobic nhẹ nhàng có thể tăng cường sức khỏe tim mạch mà không làm căng cơ vùng lưng.
Có hai loại bài tập chính mà mọi người có thể làm để giảm nguy cơ đau lưng: Tăng cường hoạt động cơ bụng và cơ lưng; cải thiện tính linh hoạt của cơ bên trong, bao gồm cột sống, hông và cẳng chân.
Chế độ ăn uống: Đảm bảo chế độ ăn uống bao gồm đủ canxi và vitamin D, vì những chất này cần thiết cho sức khỏe của xương. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Không hút thuốc: Tỷ lệ người hút thuốc có nguy cơ đau lưng cao hơn đáng kể so với những người không hút thuốc ở cùng độ tuổi, chiều cao và cân nặng.
Trọng lượng cơ thể: Cân nặng có thể ảnh hưởng nguy cơ phát triển đau lưng. Sự khác biệt về nguy cơ đau lưng giữa người béo phì và có cân nặng bình thường là đáng kể. Những người béo bụng so với vùng mông và hông cũng có nguy cơ cao hơn.
Tư thế khi đứng, ngồi: Khi đứng, bạn nên đứng thẳng, đầu hướng về phía trước, lưng thẳng, cân bằng trọng lượng đều hai chân, giữ chân thẳng và đầu thẳng hàng với cột sống. Khi ngồi, bạn cần một chiếc ghế chất lượng để làm việc, nó phải có phần tựa lưng tốt, tay vịn và đế xoay. Bạn nên giữ cho đầu gối và hông ngang bằng và đặt chân thẳng trên sàn, có thể sử dụng ghế kê chân. Nếu bạn sử dụng máy vi tính, hãy đảm bảo rằng khuỷu tay đặt ở góc vuông và cẳng tay nằm ngang.
Nâng vật nặng: Khi nâng đồ vật, bạn nên tập trung trọng lượng vào tay và chân chứ không phải dùng lưng. Giữ lưng càng thẳng càng tốt, hai chân cách xa nhau và một chân hơi đặt lên trước để giữ thăng bằng. Bạn chỉ hơi gập cong đầu gối, sau đó duỗi thẳng chân và tránh thay đổi tư thế của lưng càng ít càng tốt. Khi di chuyển đồ, tốt hơn là bạn nên đẩy chúng trên mặt đất, sử dụng sức mạnh của chân, thay vì kéo.
Tin liên quan: