Lực bán chiếm ưu thế kéo MXV-Index đảo chiều suy yếu

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết sắc đỏ quay lại chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày 16/12.

Lực bán chiếm ưu thế kéo MXV-Index đảo chiều suy yếu- Ảnh 1.

Nhóm nguyên liệu công nghiệp gây được sự chú ý khi đi ngược với xu hướng chung của toàn thị trường. Nổi bật, giá ca cao tiếp tục bứt phá leo lên đỉnh lịch sử trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, thị trường kim loại diễn biến tương đối trầm lắng trong phiên giao dịch đầu tuần. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 0,12% xuống 2.221 điểm.

Giá ca cao tiếp tục tạo đỉnh lịch sử

Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số MXV-Index nhóm nguyên liệu công nghiệp tăng, đi ngược với xu hướng chung của toàn thị trường. Tâm điểm chú ý của thị trường thuộc về ca cao khi giá mặt hàng này quay lại đỉnh lịch sử đã từng thiết lập hồi tháng 4 năm nay.

Cụ thể, giá ca cao trên Sở Giao dịch liên lục địa (ICE-US) hôm qua tăng thêm 4,61%, thiết lập lại đỉnh lịch sử. Trong phiên, có thời điểm giá đã tiến sát mốc 12.000 USD/tấn. Giới đầu cơ tiếp tục tăng mua do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Lực bán chiếm ưu thế kéo MXV-Index đảo chiều suy yếu- Ảnh 2.

Các nhà xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà ước tính từ 1/10 đến 8/12 năm nay, lượng ca cao cập cảng tại quốc gia này tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng cao này là do năm 2023, sản lượng thu hoạch và khối lượng xuất khẩu của Bờ Biển Ngà ở mức thấp và giảm mạnh. Nếu so với năm 2022, lượng ca cao nhập cảng trên thấp hơn khoảng 12%. Hiện thời tiết khô hạn tại Bờ Biển Ngà đang dấy lên lo ngại rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng sắp tới.

Trước đó, các hợp tác xã cho biết phần lớn vụ thu hoạch chính đã được hoàn thành vào tháng 11 và tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 3. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đa quốc gia lại lo ngại có thể không đáp ứng đủ các đơn hàng do nguồn cung từ nông dân thiếu hụt trong những tháng tới.

Bên cạnh ca cao, giá cà phê trong phiên hôm qua cũng ghi nhận mức tăng tốt, đặc biệt là cà phê Arabica. Theo đó, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 3/2025 tăng 2,47% và giá cà phê Robusta hợp đồng tháng 3/2025 tăng 0,37% so với tham chiếu. Lượng mưa dưới mức trung bình lịch sử tại vùng trồng cà phê chính của Brazil làm dấy lại lo ngại về nguồn cung tại Brazil trước bối cảnh thông tin cơ bản đang trái chiều.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong sáng nay (17/12) ghi nhận ở mức 123.500 – 125.200 đồng/kg, không thay đổi so với ngày 16/12. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.

Lực bán chiếm ưu thế kéo MXV-Index đảo chiều suy yếu- Ảnh 3.

Thị trường kim loại diễn biến phân hóa

Theo MXV, khép lại phiên giao dịch đầu tuần, thị trường kim loại diễn biến phân hóa rõ nét với 5 mặt hàng tăng giá và 5 mặt hàng giảm giá. Tuy vậy, các mặt hàng đều ghi nhận mức biến động thấp, thay đổi không quá 2%. Đối với kim loại quý, giá bạch kim phục hồi trở lại với mức tăng 1,89% lên 941,8 USD/ounce. Giá bạc nhích nhẹ 0,09% lên hơn 31 USD/ounce.

Giá kim loại quý được hưởng lợi trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng. Kim loại quý vốn được coi là hầm trú ẩn an toàn khi nền kinh tế có biến động. Do vậy, các nhà đầu tư đã chuyển dòng tiền vào kênh đầu tư này, hỗ trợ cho giá bạc, bạch kim. Ngoài ra, thêm vào yếu tố hỗ trợ, Citigroup mới đây đã đưa ra dự báo nhu cầu vàng và bạc sẽ mạnh cho đến khi lãi suất của Mỹ duy trì ổn định. Giá cả hai kim loại này dự kiến sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào cuối năm 2025 đến đầu năm 2026.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,14% xuống 9.239 USD/tấn, đánh dấu phiên giảm giá thứ tư liên tiếp. Giá đồng đang gặp áp lực bởi lo ngại tiêu thụ trầm lắng tại Trung Quốc, đặc biệt là sau khi nước này công bố số liệu kinh tế tiêu cực làm xấu đi triển vọng nhu cầu đồng.