Dù chưa có những bản hợp đồng “siêu khủng” như nhiều mùa giải trước, V-League 2022 cũng chứng kiến nhiều vụ chuyển nhượng đình đám, với số tiền lên tới cả chục tỷ đồng.
Đường đi của mỗi bản hợp đồng trên luôn diễn ra khá dích dắc, đôi khi rất phức tạp và người hưởng lợi cuối cùng không chỉ cầu thủ. Một cựu trung vệ có tên tuổi của đội tuyển Việt Nam từng than thở, từng chỉ được nhận 500 triệu đồng cho một bản hợp đồng chuyển nhượng ngắn hạn được đẩy lên tới…2,5 tỷ. Đây gần như là quy định ngầm trong giới bóng đá, bất kỳ cầu thủ nào cũng phải chấp nhận.
So với giai đoạn “bong bóng” trước đây, V-League gần đây không xuất hiện nhiều những bản hợp đồng siêu khủng tầm cỡ như Lê Công Vinh khi chuyển từ đội bóng của bầu Hiển sang bầu Kiên, hay các bản hợp đồng của Như Thành, Lê Phước Tứ vốn gắn liền tên tuổi “cò” Đại. Tuy nhiên, số hợp đồng lên tới chục tỷ cũng không hiếm, hầu hết đều gắn với những “tay chơi” mới ở V-League.
Trường hợp gần nhất là trung vệ đội tuyển Việt Nam Trần Đình Trọng. Sau khi không tìm được tiếng nói chung với CLB bóng đá Hà Nội, Đình Trọng đã đầu quân cho Topeland Bình Định. Tại đây, anh tái hợp người thầy cũ Nguyễn Đức Thắng, một trong những nhà cầm quân trẻ tài năng, giàu triển vọng ở V-League.
Chi tiết hợp đồng không được công bố nhưng nhiều nguồn tin cho hay, Đình Trọng nhận không dưới 10 tỷ đồng cho 3 năm khoác áo đội bóng đất võ. Đây là con số CLB Hà Nội không thể đáp ứng được cho Đình Trọng.
Ngoài Đình Trọng, Topeland Bình Định còn chi hàng chục tỷ đồng để tậu quân. Tổng cộng, đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng đã mua mới hơn 10 cầu thủ, trong đó đáng chú ý có những gương mặt như Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Hà Đức Chinh…
Một đội bóng khác chi tiêu rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng năm nay là SLNA. Sau khi gắn tên với nhà tài trợ mới Tân Long, SLNA đã thực hiện cuộc cách mạng lực lượng rất mạnh mẽ. Bên cạnh việc chi hơn chục tỷ đồng giữ chân Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức, SLNA còn bỏ ra số tiền khủng để đem về 2 tuyển thủ Việt Nam, Trọng Hoàng và Quế Ngọc Hải.
Giới bóng đá đồn chính vì số tiền SLNA bỏ ra quá lớn, cũng không dưới 10 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 năm, nên Quế Ngọc Hải đã “quay xe”, trả lại số tiền gần 5 tỷ đồng của CLB TP. Hồ Chí Minh. Tình yêu đội bóng quê hương và khoản tiền khủng của SLNA rõ ràng rất khó cưỡng.
Thực tế các bản hợp đồng của Trọng Hoàng, Đình Trọng hay Quế Ngọc Hải chưa thể so về giá trị với những “bom tấn” V-League trước đây. Lý do bởi các cầu thủ này đều đã qua ngưỡng đỉnh cao, hoặc chưa lấy lại phong độ tốt nhất. Trường hợp Đình Trọng vừa chấn thương dài hạn, trong khi Trọng Hoàng đã bước qua tuổi “băm”.
V-League hiện hứa hẹn sẽ có quả “bom” chuyển nhượng thực sự khi trong thời gian tới nếu CLB Hà Nội đàm phán thành công với tiền vệ Nguyễn Quang Hải.
Cả về chuyên môn và sức hấp dẫn hình ảnh, Quang Hải hiện đều thuộc tốp các ngôi sao hàng đầu V-League. Số tiền bầu Hiển dự báo phải chi để giữ chân ngôi sao số 1 của mình dự báo có thể lên tới cả triệu đô.
Ngay cả khi Quang Hải chấp nhận con số 5 tỷ đồng/mùa như đề nghị CLB Hà Nội được một số nguồn tin đề cập gần đây, đó vẫn là con số phá vỡ các kỷ lục cũ nếu cộng thêm các khoản khác Quang Hải được nhận thêm.
Dù giàu tiềm lực tài chính nhưng CLB Hà Nội không còn là tay chơi mới ở V-League. Mức độ “chi bạo” của họ vì vậy cũng khó so với những tên tuổi mới gia nhập làng bóng đá. Bất kể điều đó, gần như chắc chắn nếu ở lại sân Hàng Đẫy, Quang Hải sẽ trở thành bản hợp đồng “khủng” nhất V-League 2022.
Tin liên quan: