Tập thể dục đúng thời điểm có thể nâng cao hiệu quả kiểm soát đường huyết

Nhiều người nghĩ rằng kiểm soát lượng đường trong máu là vấn đề chỉ dành cho bệnh nhân tiểu đường, người có dấu hiệu tiền tiểu đường hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tất cả mọi người đều cần giữ đường huyết ở mức cân bằng để bảo đảm sức khỏe tổng thể. Hai nghiên cứu công bố gần đây chỉ ra rằng hình thức và thời điểm tập thể dục có thể nâng cao hiệu quả kiểm soát chỉ số đường huyết.

Trong điều kiện sức khỏe bình thường, cơ thể cho phép đường từ máu đi vào tế bào, duy trì đường huyết ở mức ổn định. Khi đường huyết tăng cao, tuyến tụy sẽ tiết ra hoóc-môn insulin để cơ thể chuyển hóa đường glucose trong máu thành năng lượng hoặc lưu trữ trong gan dưới dạng glycogen làm nhiên liệu dùng sau đó. Quá trình này làm đường huyết trở về mức bình thường. Cơ chế này cho phép cơ thể duy trì mức năng lượng cân bằng, bền vững từ sáng đến tối. Nhưng đối với người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2, tình trạng đề kháng insulin có thể làm thay đổi phản ứng của cơ thể đối với lượng đường trong máu, khiến đường huyết thường ở mức cao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia sức khỏe, thường xuyên hoạt động thể chất được chứng minh có thể làm tăng độ nhạy insulin, hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ phát triển từ tiền tiểu đường sang tiểu đường.

Gần đây, nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học thể thao (Sports Medicine) cho thấy đi bộ vài phút sau bữa ăn giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Các chuyên gia giải thích rằng, lượng đường trong máu thường tăng vọt sau bữa ăn, nhưng đi bộ nhẹ nhàng (cách bữa ăn từ 60-90 phút) có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa (cả glucose và chất béo), đồng thời kích thích giải phóng các hoóc-môn mang lại cảm giác tích cực, chống stress, chống viêm…

Trong khi đó, nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Diabetologia cho thấy thời điểm tập thể dục có thể tác động đến hiệu quả kiểm soát đường huyết. Cụ thể, nghiên cứu này cho thấy vận động thể chất vào buổi chiều hoặc buổi tối giúp làm giảm đáng kể tình trạng kháng insulin và kiểm soát đường huyết tốt hơn so với khi tập thể dục vào buổi sáng.

Ðể đi đến kết luận trên, các chuyên gia phân tích dữ liệu của 6.700 người từ 45 đến 65 tuổi tại Hà Lan với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 27 trở lên (tức là thừa cân). Tất cả được khám sức khỏe, bao gồm kiểm tra đường huyết, đo lượng insulin khi đói và sau khi ăn, cũng như trả lời bảng câu hỏi về các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống, một số người được đo hàm lượng mỡ trong gan thông qua phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ. Nhóm nghiên cứu sau đó chọn ngẫu nhiên 955 người cho đeo thiết bị giám sát vận động và nhịp tim để theo dõi thời gian tập thể dục của họ, dựa trên các khung giờ 6 tiếng – gồm từ 6-12 giờ, 12-18 giờ và 18-24 giờ.

Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy những người tập thể dục vào buổi chiều giảm được 18% khả năng đề kháng insulin, vận động vào buổi tối giảm 25% khả năng đề kháng insulin. Trái lại, hoạt động thể chất dàn trải cả ngày hoặc chỉ thực hiện vào buổi sáng dường như không ảnh hưởng đến hàm lượng mỡ trong gan và tình trạng kháng insulin. Ðiều này cho thấy tập thể dục buổi chiều và buổi tối có thể mang lại lợi ích lớn nhất trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Tin liên quan: