Thành phần dinh dưỡng của bánh chưng

Mâm cơm ngày Tết có nhiều thức ăn ngon, nhưng món ăn độc đáo của dân tộc ta trong những ngày tết vẫn là tấm bánh chưng xanh. Thiếu gì thì thiếu nhưng thiếu bánh chưng ta cảm thấy chưa phải là Tết. Vậy bánh chưng có thành phần dinh dưỡng ra sao?

Dinh dưỡng của bánh chưng

Xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng quả là một món ăn toàn diện. Từ thời xa xưa nhân dân ta đã biết phối hợp các thực phẩm với nhau một cách khoa học để tạo ra chiếc bánh đậm đà truyền thống dân tộc này. Trong bánh chưng có đầy đủ các chất protid, glucid, lipid, các vitamin và muối khoáng ở những tỷ lệ thích đáng. Một chiếc bánh chưng trung bình chúng ta gói trong ngày Tết gồm: gạo nếp 500g, đậu xanh 100g, thịt lợn có nhiều mỡ 100g và khoảng 5g hành củ tươi.

Empty

Thành phần dinh dưỡng của bánh chưng (Ảnh minh họa)

Thành phần dinh dưỡng của chiếc bánh chưng trên sẽ là: protid 79,55g, lipid 47,20g, glucid 427,84g, muối khoáng 7,13g (canxi 0,233g, photpho 1,025g, sắt 0,016g…), vitamin A 0,081mg, vitamin B1 1,68mg, vitamin B2 0,43mg, vitamin PP 13,21mg… cung cấp cho cơ thể được 2.620 Kcal. Như vậy chỉ cần ăn mỗi ngày một chiếc bánh chưng là đủ khẩu phần cho một lao động trung bình và là một khẩu phần cân đối cả về lượng lẫn chất.

Về phương diện vệ sinh, bánh chưng đảm bảo tốt các tiêu chuẩn vệ sinh vì được gói trong lá dong rửa sạch, luộc chín rền nhiều giờ, ăn vừa bổ, vừa sạch sẽ, ngon miệng, dễ tiêu. Nhưng đấy là những chiếc bánh chưng gói ăn ngay trong mấy ngày Tết. Trong thực tế có nhiều gia đình gói bánh chưng để dành tới giữa tháng Giêng âm lịch, gặp phải những hôm thời tiết nồm bánh chưng bị thiu chua, meo mốc, ăn vào rất nguy hiểm.

Cẩn trọng với bánh chưng bị mốc

Do có độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng nên bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Cũng vì vậy bánh chưng để lâu gặp trời nồm dễ bị mốc. Từ lớp lá bọc ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng làm hỏng bánh. Mốc làm thay đổi màu sắc, mùi vị của bánh, làm giảm hoặc mất hết giá trị dinh dưỡng của bánh.

Empty

Cẩn trọng với bánh chưng bị mốc (Ảnh minh họa)

Dưới tác dụng của men amilaza của một số nấm mốc, tinh bột chuyển thành đường glucoza. Một số men khác lại chuyển tiếp glucoza thành rượu ethylic làm bánh bị vữa tại nơi nấm phát triển và có vị cay, hăng mùi rượu. Một số chủng nấm mốc khác có những men có khả năng lên men glucoza, mantoza, tạo thành axit gluconic, axit fumaric, v.v… làm bánh bị chua.

Đáng sợ hơn cả là có một số loại nấm mốc tiết ra độc tố gây độc cho người ăn, trong đó phải kể đến những nấm thuộc họ Aspergillus và họ Penicillium.

Như vậy, từ một thức ăn ngon, giầu chất dinh dưỡng, bánh chưng đã trở thành có hại cho sức khoẻ, ăn vào không những bị đau bụng tiêu chảy, mà còn có thể bị nhiễm độc nguy hiểm. Cũng vì vậy, chúng ta phải cảnh giác với bánh chưng mốc. Những chiếc nào bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng… phải kiên quyết bỏ đi. Những chiếc bánh mới bị mốc chút ít bên ngoài cũng phải cắt bỏ rộng ra chung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn.

Tin liên quan: