Phú Thọ: Mù mắt sau khi tiêm filler… chui

Sau khi tiêm filler làm đầy rãnh má tại tiệm tóc, bệnh nhân đột ngột thấy mắt phải mờ dần và không nhìn rõ.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một trường hợp bị mất thị lực sau khi tiêm filler.

Nữ bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng mắt phải mi nề, sụp mi, kết mạc cương tụ, mờ thị trường phía trước, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết trước đó đã thực hiện tiêm filler làm đầy rãnh má tại tiệm tóc. Sau khi tiêm filler xong đột ngột mắt phải mờ dần và không nhìn rõ.

Theo BS Triệu Thị Minh – Khoa Mắt, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chấn đoán theo dõi tắc động mạch mắt phải. Sau đó, gia đình đã xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Phú Thọ: Mù mắt sau khi tiêm filler... chui - ảnh 1
Sau khi tiêm filler làm đầy rãnh má tại tiệm tóc, bệnh nhân đột ngột mắt phải mờ dần và không nhìn rõ (Ảnh minh họa).

BS Minh cho hay, biến chứng tắc mạch mắt là biến chứng nặng nề nhất của tiêm filler. Ngoài việc gây mù mắt, mất/giảm thị lực, còn đe dọa tắc các động mạch nuôi da, cơ thần kinh quanh ổ mắt, tắc mạch máu não thậm chí gây tử vong.

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức cũng đã tiếp nhận trường hợp người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, co giật, mắt bên trái không còn nhìn thấy do tiêm filler tại spa của người quen.

Bệnh nhân là phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội. Theo lời kể của bệnh nhân, chị tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Sau tiêm khoảng 10-15 phút, khi bắt đầu được nắn sống mũi, bệnh nhân thấy hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật.

Ngay lập tức, spa có tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm và được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Filler là chất để bồi phụ những chỗ thiếu hụt tổ chức của cơ thể. Bản chất filler là axit hyaluronic, đây vốn dĩ là một chất có sẵn ở trong cơ thể người, tập trung nhiều ở sụn khớp và da. Thông thường, loại chất làm đầy này có thể tồn tại trong khoảng thời gian 6 tháng đến một năm sau khi tiêm, trước khi bị tiêu biến.

Theo các chuyên gia, đa phần các trường hợp gặp biến chứng khi tiêm filler đều do thực hiện ở các cơ sở không phép; người thực hiện không phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo về tạo hình – thẩm mỹ hoặc da liễu, không được đào tạo một cách bài bản về filler.

Điều này rất nguy hiểm, vì tiêm filler là một thủ thuật ngoại khoa, cần phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Biến chứng tiêm filler có thể liên quan đến kĩ thuật tiêm hoặc biến chứng do sử dụng các chất làm đầy không được cấp phép.

Trong đó, biến chứng do kĩ thuật tiêm nặng nề nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu, filler có thể theo mạch máu gây tắc mạch, tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu gây hoại tử… Kĩ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ ở vùng tiêm. Những nhiễm trùng này thường lan tỏa theo các đường chọc kim trong quá trình tiêm.

Để an toàn khi tiêm làm đẹp, người dân cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế).